Bình Định - Nam Lào: Nghĩa tình sắt son, hợp tác bền vững - Kỳ 1: Hợp tác toàn diện, hiệu quả
LTS: Tỉnh Bình Định đã thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Champasak vào năm 1979, sau đó lần lượt mở rộng đến các tỉnh Attapeu, Sekong và Salavan. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962 - 5.9.2022), Báo Bình Định trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chuyên đề “Bình Định - Nam Lào: Nghĩa tình sắt son, hợp tác bền vững”.
Kỳ 1: Hợp tác toàn diện, hiệu quả
Trải qua các giai đoạn, đến nay hợp tác giữa tỉnh Bình Định và 4 tỉnh Nam Lào đã phát triển toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực: Đào tạo, quốc phòng, đầu tư, y tế, nông nghiệp…
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Bình Định đã chi từ nguồn ngân sách tỉnh hơn 30 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hợp tác, hỗ trợ 4 tỉnh Nam Lào phát triển KT-XH.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng tặng hoa cho sinh viên Lào trong buổi Gặp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962 - 5.9.2022) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2022). Ảnh: H.THU
Từ một “mô hình mẫu”
Dự án liên doanh giữa Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) với Xí nghiệp Dược phẩm Champasak để thành lập Công ty Dược phẩm CBF (Công ty CBF) đầu năm 1995 được đánh giá là mô hình mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Lào cũng như hai tỉnh kết nghĩa Bình Định - Champasak.
Công ty CBF tuyển dụng lao động ở các vùng còn nhiều khó khăn của Lào, hỗ trợ điều kiện ăn, ở và tạo thu nhập tốt để họ chuyên tâm làm việc. Theo Tổng Giám đốc Bidiphar Phạm Thị Thanh Hương, trong dự án này, Bidiphar hết sức tận tâm tận tình; cử nhiều cán bộ, nhân viên sang hướng dẫn từng thao tác kỹ thuật cho công nhân Lào, cũng như cách điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh ở Công ty CBF. Vượt qua những khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ, nhân viên của Bidiphar đã chung sức, đồng lòng cùng các bạn Lào xây dựng Công ty CBF phát triển vững mạnh.
“Đến nay, Bidiphar đã chuyển giao toàn bộ để phía Lào làm chủ hoàn toàn công nghệ hiện đại ở nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Hiện lãnh đạo, cán bộ, công nhân của Công ty CBF hầu hết là người Lào. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục tư vấn giúp phía bạn nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy, triển khai các biện pháp kỹ thuật mới, phát triển sản phẩm mới. Công ty CBF sản xuất rất nhiều loại thuốc thiết yếu, chiếm đến 70% thị phần thuốc tại Lào”, bà Hương cho biết.
Năm 2006, Bidiphar tiếp tục liên doanh thành lập Công ty cao su hữu nghị Lào - Việt tại tỉnh Sekong, trồng cây cao su trên diện tích rất rộng lớn. Cây cao su đã phát triển tốt, nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty hoạt động hiệu quả, có nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Hai công ty liên doanh trên của Bidiphar còn đóng góp tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội ở Lào, như: Hỗ trợ làm đường giao thông, kéo điện vào các nhà dân vùng sâu vùng xa… cùng nhiều sự giúp đỡ thiết thực về giáo dục, y tế. Đúng như lời ông Nguyễn Văn Quá, Chủ tịch HĐQT Công ty Bidiphar và Công ty CBF, từng chia sẻ: Nhiệm vụ của Bidiphar không chỉ là sản xuất kinh doanh, mà còn góp phần tiếp nối bồi đắp, phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Kề vai sát cánh trong mọi hoàn cảnh
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về công tác đối ngoại quốc phòng, Bộ CHQS tỉnh đã thường xuyên trao đổi thông tin, giữ vững và tăng cường hợp tác trên tinh thần mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt với Bộ CHQS hai tỉnh Champasak, Attapeu.
Bộ CHQS tỉnh Bình Định trao các trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 cho Bộ CHQS tỉnh Champasak vào năm 2020. Ảnh: H.PHÚC
Trong giai đoạn 2011 - 2015, từ nguồn kinh phí của UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã hỗ trợ trên 6,8 tỷ đồng cho Bộ CHQS các tỉnh Attapeu và Champasak để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị văn phòng. Giai đoạn 2016 - 2020, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh đã tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí giúp Bộ CHQS tỉnh Champasak và Attapeu củng cố doanh trại, nhà ở, nơi làm việc, học tập, với tổng kinh phí hơn 9,3 tỷ đồng. Tiêu biểu là các công trình như: Xây dựng, củng cố doanh trại Trường Quân sự tỉnh Attapeu; xây dựng, củng cố hệ thống khuôn viên, sân vườn cơ quan Bộ CHQS và doanh trại Tiểu đoàn biên giới 22 (tỉnh Champasak); hỗ trợ thiết bị, máy móc sản xuất doanh cụ, doanh trại cho bộ đội hai tỉnh này...
Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh cũng tổ chức 3 đoàn công tác sang thăm, khám bệnh, cấp thuốc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 tỉnh Attapeu và Champasak nhân dịp tết cổ truyền Bunpimay... Trên tinh thần “Giúp bạn là giúp mình”, năm 2021, Bộ CHQS tỉnh giúp xây dựng công trình hữu nghị tại tỉnh Attapeu và Champasak, với số tiền 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trị giá khoảng 700 triệu đồng.
“Hai nước Việt Nam, Lào nói chung và lực lượng quân đội nói riêng luôn kề vai sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh”, đại tá Nguyễn Minh Hiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết.
Năm 2018, Chủ tịch nước CHDCND Lào đã trao tặng Huân chương Lao động hạng III cho Bộ CHQS tỉnh Bình Định. Đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, khẳng định: “Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về công tác đối ngoại quốc phòng; tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng với hai tỉnh Champasak và Attapeu. Qua đó, tăng cường hiểu biết lẫn nhau; góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt vì hạnh phúc, phồn vinh của hai dân tộc”.
Siết vòng tay, khơi sức trẻ
Đoàn Thanh niên hai tỉnh Bình Ðịnh - Champasak ký kết chương trình kết nghĩa, phối hợp hoạt động giai đoạn 2014 - 2018. Từ đó, đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục thanh niên về mối quan hệ truyền thống, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào; các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội; các hoạt động trao đổi, học tập các sáng kiến hay trong công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên; các mô hình phát triển kinh tế và hỗ trợ đào tạo thanh niên lập thân, lập nghiệp, cùng nhau nâng cao kiến thức hội nhập trong khu vực và quốc tế; hỗ trợ sinh viên Lào đang học tập tại Bình Ðịnh. Ngoài ra, Tỉnh đoàn Bình Ðịnh còn tặng máy vi tính và học bổng với tổng số tiền trên 400 triệu đồng cho học sinh, sinh viên tỉnh Champasak.
Để các hoạt động tình nguyện quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, Tỉnh đoàn hai tỉnh tiếp tục ký kết chương trình kết nghĩa giai đoạn 2019 - 2023. Bí thư Tỉnh đoàn Hà Duy Trung cho biết: “Hai đơn vị đã tích cực triển khai các nội dung trong chương trình phối hợp và đạt được nhiều kết quả tích cực: Tổ chức các hoạt động trao đổi, học tập các sáng kiến hay trong công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên; các mô hình phát triển kinh tế và hỗ trợ đào tạo thanh niên lập thân, lập nghiệp, cùng nhau nâng cao kiến thức hội nhập trong khu vực và quốc tế; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội…”.
Năm 2019, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Champasak. Theo anh Nguyễn Hoàng Đức Hậu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, việc ký kết giúp hai Hội gặp gỡ, trao đổi, thực hiện các nội dung trọng tâm: Định kỳ phối hợp tổ chức các hoạt động thúc đẩy thương mại, giao lưu, kết nối cho DN là thành viên của hai bên nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác, phát triển lâu dài; phối hợp tổ chức cho doanh nhân hai tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao KHKT, thiết bị công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành DN; tạo điều kiện cho DN hội viên quảng bá các sản phẩm, dịch vụ...
HOÀI THU - HỒNG PHÚC - DƯƠNG LINH
● Kỳ 2: Hết mình vì sự nghiệp “trồng người”