KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ LÊ HỒNG PHONG (1902 - 2022)
Lê Hồng Phong - nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942) là nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Suốt cuộc đời, đồng chí đã thể hiện tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Ðảng, chết không rời Ðảng, trọn vẹn niềm tin về thắng lợi vẻ vang của cách mạng...
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân.
Sau khi học xong Sơ học yếu lược, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lê Hồng Phong đã xin làm việc tại nhà máy Diêm - Bến Thủy, TP Vinh. Chứng kiến cuộc sống khổ cực của người lao động bị thực dân, phong kiến bóc lột tàn tệ, Lê Hồng Phong và những người cùng tâm huyết đã vận động công nhân nổi dậy đấu tranh. Sau sự kiện này, Lê Hồng Phong bị đuổi việc.
Tròn trọng trách với Đảng
Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong bí mật sang Thái Lan gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và sau đó gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng.
Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện cán bộ cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng chí được học tập toàn diện về quân sự và chính trị tại Trung Quốc và Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong hoạt động trong lực lượng Hồng quân Xô Viết và nhận trọng trách liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản.
Tháng 11.1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được phân công trở về nước lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.
Đầu năm 1932, Lê Hồng Phong nối liên lạc với một số đồng chí tại TP Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) và xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng. Tháng 6.1932, Lê Hồng Phong bàn bạc với các lãnh đạo của Đảng cho công bố bản “Chương trình hành động của Đảng” do đồng chí tham gia khởi thảo và được Quốc tế Cộng sản thông qua. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lúc cách mạng Việt Nam bị khủng bố trắng, Đảng đang gặp thoái trào, các tư tưởng dao động, cơ hội đang thừa cơ trỗi dậy.
Tháng 3.1934, đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng), chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng.
Cuối năm 1934, Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Liên Xô từ ngày 25.7 - 21.8. Trong tham luận báo cáo tại Đại hội, bằng cả lý luận và thực tiễn, đồng chí đã khái quát lịch sử phát triển của phong trào cách mạng Đông Dương từ năm 1930 - 1935; nêu bật những thành tích to lớn, những khuyết điểm, kinh nghiệm mà Đảng đã thu hoạch, đúc kết được trong những năm chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, cùng khả năng, triển vọng của phong trào đấu tranh với điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi mới.
Di tích Khu lưu niệm đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Ảnh: tuyengiao.vn
Những đóng góp của đồng chí thể hiện trong các luận điểm của tham luận đã được Đại hội đánh giá cao; qua đó ghi nhận sự trưởng thành của Đảng Cộng sản Đông Dương và chính thức công nhận Đảng ta là một bộ phận thuộc Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản.
Cùng đó, tháng 3.1935, Đại hội lần thứ I của Đảng đã diễn ra thành công, đồng chí Lê Hồng Phong (được bầu vắng mặt) làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 7.1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ I.
Một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng
Tháng 11.1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước và bí mật hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới. Tháng 3.1938, đồng chí tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau Hội nghị, đồng chí tiếp tục tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ và có nhiều đóng góp trên mặt trận báo chí nhằm thống nhất các quan điểm của Đảng về đấu tranh dân chủ. Bằng ngòi bút sắc sảo, đồng chí còn tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh vạch trần các luận điệu sai trái, phản động, cơ hội chủ nghĩa; củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Trong cuộc đấu tranh tư tưởng đó, đồng chí tỏ rõ sự nhạy bén, bản lĩnh chính trị, sự kiên định và trình độ tri thức lý luận khoa học; góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Đảng về mặt tư tưởng, tổ chức, đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam thời kỳ Mặt trận dân chủ, cũng là sự chuẩn bị tích cực để đi tới thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngày 22.6.1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Ngày 23.12.1939, chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà Nghệ An. Ngày 20.1.1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn, Sài Gòn; cuối năm 1940, bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, biết Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ. Trước sự độc ác, dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù.
Những trận đòn thù tàn ác, dã man, liên tục làm đồng chí Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức. Đồng chí đã vĩnh biệt anh em, đồng chí vào trưa 6.9.1942. Trước lúc đi xa, đồng chí còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”!
MAI LÂM