Iran sẽ cân nhắc lựa chọn khác nếu phương Tây trì hoãn JCPOA
Một quan chức Iran cho biết nếu phương Tây không ra quyết định khôi phục thỏa thuận, Iran có những lựa chọn khác và Iran sẽ không tay trắng trong tình huống này.
Các máy ly tâm bên trong cơ sở hạt nhân Natanz, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nghị sỹ cấp cao Iran, ông Mahmoud Abbaszadeh Meshkini, ngày 4.9 kêu gọi các nước phương Tây chấm dứt trì hoãn việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân, đồng thời cảnh báo Tehran sẽ cân nhắc những lựa chọn khác.
Hãng thông tấn IRNA dẫn lời nghị sỹ Meshkini, thành viên Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran, cho biết "một thỏa thuận cùng thắng" có ý nghĩa quan trọng giúp bảo đảm lợi ích quốc gia của Iran.
Ông Meshkini khẳng định: "Nếu phương Tây không ra quyết định khôi phục thỏa thuận, chúng tôi có những lựa chọn khác và Iran sẽ không tay trắng trong tình huống này”.
Ông nói thêm rằng việc giải quyết các vấn đề liên quan tới biện pháp bảo đảm có thể "hàn gắn lòng tin giữa Iran và phương Tây”.
Cùng ngày, cố vấn của phái đoàn đàm phán hạt nhân Iran Mohammad Marandi đã hối thúc loại bỏ "những điểm mơ hồ và kẽ hở" trong dự thảo thỏa thuận tiềm tàng nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Ông Marandi nói rằng chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vi phạm thỏa thuận một cách có hệ thống, sau đó các chính quyền kế tiếp dưới thời Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden gây sức ép tối đa đối với các công dân vô tội.
Ông nhấn mạnh Iran sẽ không chấp nhận sự mơ hồ hay kẽ hở nào trong văn bản dự thảo, và Tehran sẽ "kiên nhẫn" đến khi các vấn đề đó được giải quyết.
Iran gần đây nhấn mạnh rằng những báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về dấu vết urani tại một số cơ sở hạt nhân là mang động cơ chính trị và nên kết thúc vấn đề này cùng lúc với việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc, có tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).
JCPOA được Iran và các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức ký kết vào tháng 7.2015, theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt quốc tế được nới lỏng.
Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Sau 16 tháng Mỹ và Iran tiến hành đàm phán gián tiếp thông qua các quan chức EU, ngày 8.8, EU đã đưa ra dự thảo văn bản cuối cùng. Hiện EU đã nhận phản được hồi từ Mỹ và Iran.
Ông Mohammad Marandi cho biết Tehran đã đưa ra câu trả lời dành cho Washington, trong đó trình bày những quan điểm của Iran đối với dự thảo thỏa thuận hạt nhân tiềm năng do EU đề xuất và nếu Mỹ đưa ra "quyết định đúng đắn" thì tiến trình đàm phán có thể đi đến hồi kết một cách nhanh chóng.
Theo Quang Minh (TTXVN/Vietnam+)