Cơ sở sản xuất chậu kiểng tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động
Cơ sở sản xuất chậu kiểng của anh Nguyễn Văn Tiến ở khu phố Hòa An, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn thường xuyên có gần chục công nhân làm việc luôn tay; người trộn hồ, người đúc chậu (ảnh), người bốc xếp đưa chậu đi phơi.
Chị Trình Thị Ngọc Lệ, 43 tuổi, vừa xoay bàn xoay tạo dáng chậu xi măng vừa trò chuyện: Tôi làm tại đây đã 5 năm, công đoạn làm chậu tương đối dễ học, dễ làm. Người mới vào học nghề sẽ làm phụ hồ, thu nhập một ngày cũng được 230 nghìn đồng, nếu đúc chậu thì tiền công sẽ tùy vào số lượng sản phẩm làm được trong ngày, ít nhất cũng được khoảng 350 nghìn đồng. Việc làm ở đây ổn định, gần như có việc liên tục quanh năm nên tôi đã xin cho em trai đến làm chung.
Cơ sở đúc chậu của anh Nguyễn Văn Tiến hình thành cách đây 5 năm. Ban đầu, cơ sở có quy mô nhỏ, làm các mẫu chậu theo yêu cầu của người trồng hoa địa phương và lân cận. Nhờ đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng, anh Tiến nhận được ngày càng nhiều đơn hàng và cơ sở của anh mở rộng dần. Anh Tiến cho biết: Hiện nay, cơ sở của tôi có 9 người làm thường xuyên, sản xuất các loại chậu quay, chậu đúc nhiều kích cỡ; chủ yếu phục vụ cho làng nghề trồng mai, cúc, cây cảnh các loại. Chất lượng sản phẩm của cơ sở ổn định nên được khách hàng tín nhiệm, mấy năm gần đây tôi đã có thêm khách hàng từ các tỉnh như Gia Lai, Phú Yên. Nhu cầu của thị trường ngày càng cao, nên sắp tới tôi sẽ xin thuê đất từ chính quyền địa phương để ổn định sản xuất lâu dài, không phải đi mượn đất của người khác như hiện nay.
NGÔ HỒNG SƠN