Bình Định - Nam Lào: Nghĩa tình sắt son, hợp tác bền vững - Kỳ 2: Hết mình vì sự nghiệp “trồng người”
Nhiều năm qua, tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp “trồng người” giúp các tỉnh Nam Lào, hỗ trợ bạn bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng. Trong đó, trọng tâm là cấp học bổng cho sinh viên 4 tỉnh Nam Lào sang học tiếng Việt và các bậc cao đẳng, đại học, sau đại học tại các trường ở TP Quy Nhơn.
Mối quan tâm hàng đầu
Những năm gần đây, đào tạo lưu học sinh (LHS) Lào là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong chương trình hợp tác giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào. Thực hiện biên bản ghi nhớ đã ký kết, trong giai đoạn 2016 - 2020, hằng năm tỉnh Bình Định cấp 20 suất học bổng toàn phần cho LHS 4 tỉnh Nam Lào (5 suất/tỉnh); trong đó hỗ trợ cho Attapeu, Sekong và Champasak mỗi tỉnh 5 suất học bổng học đại học; riêng tỉnh Salavan hỗ trợ 3 suất học đại học và 2 suất học thạc sĩ. Mỗi năm tỉnh Bình Định còn cấp 20 suất học bổng cho 4 tỉnh Nam Lào (5 suất/tỉnh) học liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm, hỗ trợ việc tập huấn cho giáo viên các trường cao đẳng nghề của 4 tỉnh Nam Lào.
Tính đến nay, đã có hơn 1.200 LHS Lào được đào tạo và cấp bằng tại các trường đại học, cao đẳng ở Quy Nhơn. Theo ông Đặng Văn Phụng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, thực hiện biên bản ghi nhớ với 4 trường nghề của các tỉnh Nam Lào, từ năm 2014 đến nay, nhà trường đào tạo được 190 LHS Lào học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng nghề, kinh phí đào tạo do tỉnh và nhà trường tài trợ.
Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn Đặng Văn Phụng trao chứng nhận cho sinh viên Lào tốt nghiệp cao đẳng liên thông khóa 14 và trung cấp khóa 13 tại buổi lễ tốt nghiệp đầu năm 2022. Ảnh: D.LINH
LHS Lào được tạo thuận lợi về điều kiện học tập, ăn ở, đồng thời được quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần. Hằng năm, vào các dịp lễ hội của nước Lào như Quốc khánh, Tết Cổ truyền Bunpimay…, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh, các cơ quan, ban ngành của tỉnh, đặc biệt là sự tạo điều kiện của Ban giám hiệu Trường ĐH Quy Nhơn, các em đã có những buổi lễ đầy ý nghĩa, ấm áp và vui tươi.
Theo Sở Ngoại vụ, sau khi tốt nghiệp về nước, đa số LHS Lào đều có việc làm ổn định, nhiều người làm việc trong các cơ quan hành chính, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Lào. Thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục xem xét tăng số lượng LHS Lào được cấp học bổng và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ấm áp dưới “mái nhà chung”
Giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong công tác đào tạo LHS Lào của tỉnh là Trường ĐH Quy Nhơn, trong 20 năm qua đã đào tạo và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho hơn 1.000 LHS Lào. Rất nhiều LHS Lào trong số đó tiếp tục theo học đại học các ngành như: Du lịch, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, tin học, điện tử viễn thông, nông học, quản lý đất đai… Và, ngày càng có nhiều hơn LHS theo học trình độ thạc sĩ các chuyên ngành: Quản lý giáo dục, kế toán, ngôn ngữ Anh... Hiện có gần 100 LHS Lào đang theo học tại trường.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, nhà trường đã và sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo quảng bá, chương trình hợp tác có sự tham gia của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, lãnh đạo các tỉnh Nam Lào để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác đào tạo và quản lý LHS Lào trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, thông qua các chuyến công tác của cán bộ, giảng viên tại 4 tỉnh Nam Lào, Trường ĐH Quy Nhơn tiếp tục phổ biến thông tin về cơ hội học tập; nắm bắt nhu cầu của người học, làm cơ sở điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp thực tế.
Nhà trường còn quan tâm tập trung các LHS Lào vào ở miễn phí trong một khu ký túc xá riêng biệt, với đầy đủ các thiết bị, đồ dùng cần thiết. Từ năm học 2021 - 2022, trường triển khai thêm các hoạt động mới: Nhận đỡ đầu 7 sinh viên Lào có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các em trong thời gian học tập và sinh hoạt tại trường; triển khai mô hình “Đôi bạn cùng tiến”, phân công 1 sinh viên Việt Nam giúp đỡ 1 sinh viên Lào trong học tập.
Cuối tháng 7.2022, Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức chương trình Tình nguyện hè tại xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), với 20 LHS Lào và 10 sinh viên Việt Nam tham gia. Đây là lần đầu tiên, các LHS Lào được trực tiếp tham gia thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa. Sinh viên Vinatda Phandanouvong chia sẻ: “Tôi mới sang Quy Nhơn năm đầu tiên, đang học chương trình tiếng Việt tại Trường ĐH Quy Nhơn. Nghe Đoàn trường thông báo về chuyến đi, tôi đăng ký ngay. Hoạt động tập thể này là dấu mốc đáng nhớ, tạo cơ hội cho tôi hòa nhập, thêm phấn khởi, cố gắng trong những năm tháng sắp tới dưới mái trường ĐH Quy Nhơn”.
Sinh viên Lào ở Trường ĐH Quy Nhơn đi thực tế tại làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) cuối tháng 8.2022. Ảnh: Trường ĐH Quy Nhơn
Bí thư Đoàn trường ĐH Quy Nhơn Cao Kỳ Nam cho biết: “Để tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho sinh viên Lào, Đoàn trường và Hội sinh viên trường luôn động viên các bạn tham gia vào phong trào chung, mạnh dạn phát triển thế mạnh của bản thân về văn nghệ, thể thao… Đây cũng là cơ hội để các bạn giao lưu học hỏi, tăng sự gắn kết giữa sinh viên hai nước Việt - Lào”.
Không chỉ “gieo mầm” tiếng Việt
“Thật sự hạnh phúc và tự hào là sinh viên đang học tập tại tỉnh Bình Định, một mảnh đất tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa và bề dày lịch sử; chúng em luôn xem đây là ngôi nhà, là quê hương thứ hai của mình. Chúng em được tạo điều kiện tốt nhất trong học tập và rèn luyện; được tỉnh Bình Định quan tâm cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn ở; các cơ quan của tỉnh Bình Định và nhà trường cũng hết sức quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần”.
Em SOUKPASONG KEDSOUVANNASAM, Trưởng Ban đại diện lưu học sinh Lào ở Trường ĐH Quy Nhơn
Tại Trường ĐH Quy Nhơn, các giảng viên đảm nhiệm giảng dạy tiếng Việt cho LHS Lào đều thuộc khoa Ngữ văn trước đây (nay là Tổ bộ môn Ngữ văn, khoa Khoa học xã hội và Nhân văn). Toàn bộ chương trình học của LHS Lào đều bằng tiếng Việt; ngay khi nhập học, Trường ĐH Quy Nhơn tiến hành rà soát trình độ của từng LHS để đưa ra biện pháp hỗ trợ, nâng cao kỹ năng tiếng Việt. Trường còn đưa vào chương trình đào tạo học phần trải nghiệm thực tế để giúp LHS có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về văn hóa, con người Bình Định - Việt Nam, đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt.
Những năm qua, các thế hệ LHS Lào được đến tham quan các làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Th.S Trần Xuân Toàn, giảng viên Tổ bộ môn Ngữ văn, vừa hướng dẫn đoàn LHS Lào tham quan nhiều nơi trong tỉnh vào cuối tháng 8.2022, chia sẻ: “Mỗi năm, chúng tôi đều cố gắng “làm mới” các trải nghiệm tại mỗi điểm đến cho LHS Lào. Qua đó, góp phần quan trọng giúp các em vận dụng lý thuyết tiếng Việt vào thực tế. Suốt chuyến đi, giảng viên như “hướng dẫn viên”, cung cấp thông tin cần thiết về địa điểm, khéo léo gợi chuyện để các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp”.
Chính sự nhiệt tình, gần gũi ấy của giảng viên đã giúp LHS Lào từ rụt rè dần chuyển sang mạnh dạn hòa nhập, thích thú, say mê học tiếng Việt, khám phá văn hóa Việt.
Say sưa xem lại những tấm hình chụp xuyên suốt chuyến đi thực tế cuối tháng 8 vừa qua, sinh viên Zaythoney Vanhchanthey chia sẻ: “Tôi thích nhất là Eo Gió, Nhơn Lý vì cảnh đẹp, biển xanh trong. Nhất định, tôi sẽ chia sẻ nhiều về Quy Nhơn - Bình Định với bạn bè, người thân ở Lào để rủ mọi người cùng đến khám phá…”.
HOÀI THU - HỒNG PHÚC - DƯƠNG LINH
Kỳ cuối: Kỷ niệm mãi xanh