Thêm sức sống cho bài chòi dân gian
5 năm qua, từ khi nghệ thuật bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bình Định đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thêm sức sống cho loại hình nghệ thuật này.
Phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian” do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, khẳng định: “Bình Định rất quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi. Ở Bình Định, bên cạnh Đoàn Ca kịch bài chòi thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, còn có nhiều nhóm, CLB bài chòi dân gian thành lập hoạt động tại các địa phương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, góp phần phục vụ du lịch, giúp đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến loại hình nghệ thuật này”.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 35 nhóm, CLB bài chòi với hơn 200 nghệ nhân tham gia; duy trì hoạt động 28 hội đánh bài chòi dân gian. Trong số này, có 90 nghệ nhân thực hành hô hát bài chòi, 50 nghệ nhân vừa thực hành, vừa truyền dạy bài chòi dân gian.
Liên hoan CLB Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định mở rộng năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức vừa qua đã góp phần quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản bài chòi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Điều đáng mừng là nghệ thuật bài chòi dân gian ở Bình Định đã lan tỏa rộng khắp, được đông đảo công chúng mộ điệu. Tại nhiều địa phương, như: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn… có nhiều hiệu trẻ kế thừa, thực hành di sản bài chòi. Nhận định về điều này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, chia sẻ: “Nghệ thuật bài chòi dân gian ở Bình Định được bảo tồn, phát triển nhưng vẫn giữ được hồn cốt của các làn điệu bài chòi cổ - đây là vốn quý của loại hình nghệ thuật này mà chúng ta cần phải sưu tầm, giữ gìn, lưu truyền nó”.
Nghệ thuật bài chòi dân gian từng bước khôi phục, đã khẳng định được chỗ đứng trong cộng đồng, trở thành món ăn tinh thần trong đời sống của người dân Bình Định. Nghệ nhân Nguyễn Duy Cảnh, Chủ nhiệm CLB Bài chòi huyện Vĩnh Thạnh, tâm tình: “Để nghệ thuật bài chòi dân gian sống được ở một huyện miền núi như Vĩnh Thạnh thì ngoài sự nỗ lực của đội ngũ nghệ nhân thực hành, truyền dạy, không thể không kể đến sự quan tâm của chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương. Chúng tôi cũng rất mong Nhà nước sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân trong sưu tầm, thực hành, truyền dạy để bảo tồn, quảng bá giá trị di sản bài chòi tốt hơn nữa”.
Theo PGS.TS Lê Văn Toàn, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam trong suốt lịch sử hình thành và phát triển đến nay có diện mạo đa dạng, mang sức sống đặc biệt, nên việc bảo tồn, phát huy tốt giá trị bài chòi trong cuộc sống đương đại cũng là mục tiêu hành động quốc gia dành cho di sản này.
Chia sẻ với ý kiến của PGS.TS Lê Văn Toàn, ông Nguyễn Văn Dự, giảng viên Trường ĐH Văn Hóa TP Hồ Chí Minh, lưu ý: “Nghệ thuật bài chòi dân gian Trung bộ chia ra hai dạng thức văn hóa thông qua quá trình phân rẽ văn hóa: Trò chơi bài chòi dân gian có diễn xướng và loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Do đó, chúng ta cần nhận diện và hiểu rõ các giá trị văn hóa của di sản bài chòi để hoạch định phương cách bảo tồn, phát huy hiệu quả”.
“UNESCO đã khuyến nghị, động viên tích cực tới hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở cấp độ quốc gia với sự tham gia của các cộng đồng dân cư ở địa phương. Do vậy, tỉnh Bình Định, cũng như các tỉnh, thành miền Trung có chung di sản bài chòi cần hỗ trợ, kết nối cộng đồng trong bảo vệ, phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng, tạo sức sống bền vững của di sản bài chòi trong đời sống xã hội”, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể - Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), bày tỏ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN