Những miền sâu thẳm...
Sự đô như hý (NXB Hội Nhà văn) là tên tập truyện ngắn vừa ấn hành trong tháng 8.2022 của nhà văn Lê Hoài Lương. 13 truyện ngắn trong tập sách, mỗi truyện là một dư vị riêng, độc đáo, để lại nhiều ngẫm ngợi cho người đọc.
Lê Hoài Lương đưa người đọc qua những cung bậc xúc cảm khi đối thoại cùng con chữ của anh. Có lúc, bạn đọc thấy xót đắng, đồng cảm cho người phụ nữ trong những tan vỡ trong tình yêu, luẩn quẩn trong cái vòng kim cô của nỗi cô đơn (truyện Đàn ông đã chết). Hay một giọng văn giễu nhại, khiến người đọc cười ra nước mắt trong truyện Nghề buôn, bóc trần những son phấn lừa mị, những nhiễu nhương trò đời đang len lỏi vào đến tận chốn tu hành thanh tịnh. Hoặc, là nỗi trầm tư, đắn đót trước những “nhân danh” sa đà vào hình thức mà rỗng rếch cái chân thành trong ứng xử với văn hóa, với danh nhân như trong truyện Sự đô như hý. Và, nhiều những truyện khác như Người bọ chét, Sách cháy, Mắc kẹt, Đêm hoang tưởng…, mỗi truyện đều thể hiện độ sâu chiêm nghiệm, khả năng bóc tách, lật xới vấn đề sắc sảo của một cây bút truyện ngắn giàu nội lực.
Một trong những truyện tạo nhiều ấn tượng với tôi nhất trong tập truyện này là Nghề vớt xác. Đây là một trong hai truyện ngắn trong chùm truyện của nhà văn Lê Hoài Lương từng đạt giải nhì trong cuộc thi Truyện ngắn 2018 - 2020 của Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam). Truyện xoay quanh đôi vợ chồng nghèo mưu sinh bằng nghề vớt xác. Cô vợ - nhân vật “Thị” không cha, ở với chú họ lúc tuổi lên 10. Lớn lên, Thị bị chính chú họ lạm dụng tình dục. Thị vừa áy náy vừa cảm thấy thỏa mãn với những ham muốn xác thịt ấy… Anh chồng - nhân vật Gã làm nghề vớt xác từ lúc mười ba, mười bốn tuổi. Gã thính nhạy nghe được mùi người ở lằn ranh sống chết. Điều đó giúp Gã dễ dàng tìm thấy những xác chết trôi và không ít lần cứu người khỏi những lần nhảy sông tự tử. Cũng nhờ khả năng ấy mà Gã cứu được Thị, rồi gá nghĩa nên duyên chồng vợ.
Truyện bất ngờ ở chỗ, khi Gã bước ra cộng đồng, tham dự vào lễ khởi công xây khu phố mới, hứa hẹn sẽ mang ánh sáng văn minh đô thị thay thế cái vùng đất nghèo nàn, rách rưới mà Gã đã gắn bó suốt bao năm, Gã gặp những tầng lớp thượng lưu, những quan quyền chức trọng, cái mùi xác chết xú uế lại nhan nhản toát ra... Trong tâm tưởng Gã, họ là những cái xác sống, đang bục ra, phần hồn rã rữa đã nhuốm đầy những tính toán, vụ lợi. Những cái “xác sống” ấy khiến Gã bất ngờ. Cái bất ngờ của hắn như vỡ ra về một thế giới mang danh văn minh, khiến hắn hoang mang. Tầng lớp giàu sang, quan quyền ngoài cái vỏ bọc bên ngoài hào nhoáng là những mục ruỗng trong tâm hồn. Những kẻ ấy, đầy rẫy. Điều đó như một báo hiệu, khi ta liên tưởng từ tác phẩm ra ngoài đời thực…
Cách dẫn truyện khéo léo, biến ảo linh hoạt, cài cắm những chi tiết để từ đó khai phóng, tạo những kết nối liên tưởng đã tạo nét thú vị của không chỉ Nghề vớt xác mà cả nhiều truyện ngắn khác. Từ chất liệu đời sống, khả năng ngôn từ và cái quyết liệt muốn rọi thấu hoặc đi đến rốt ráo vấn đề qua lăng kính của một nhà văn, đã giúp cho truyện ngắn của Lê Hoài Lương tạo sự cuốn hút, khiến người đọc suy tư ngay khi đã rời khỏi trang sách của anh…
VÂN PHI