Tăng cường quản lý hoạt động giết mổ động vật tập trung:
Ðảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường
Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật tập trung đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và ban hành cơ chế đặc thù, nhằm thu hút DN đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp, các đơn vị liên quan và các địa phương hỗ trợ nhà đầu tư sớm đưa các cơ sở giết mổ vào hoạt động.
Kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu giết mổ
Tại TP Quy Nhơn hiện có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung (GMĐVTT) hoạt động từ cuối năm 2018, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở địa bàn TP Quy Nhơn và lân cận. Theo đánh giá của cơ quan thú y, nhờ có 2 cơ sở này, TP Quy Nhơn gom được 50 hộ giết mổ nhỏ lẻ, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; 80% lượng thịt bày bán trên địa bàn đều có nguồn gốc từ đây, nhờ đó tăng độ tin cậy cho người tiêu dùng do sản phẩm được kiểm dịch đúng quy định.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2025, toàn tỉnh phải đảm bảo mỗi địa phương có 1 cơ sở GMĐVTT đáp ứng các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: NGỌC DIỆP
Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm từ sản phẩm có nguồn gốc động vật; đồng thời đảm bảo kế hoạch mỗi địa phương có một cơ sở GMĐVTT đúng quy định, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở GMĐVTT 2021 - 2025 với nhiều cơ chế hỗ trợ đặc thù, đồng thời nhấn mạnh đến năm 2023 địa phương nào không kêu gọi được nhà đầu tư phải tự xây dựng cơ sở GMĐVTT.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), việc đầu tư xây dựng cơ sở GMĐVTT nhằm tăng cường quản lý hoạt động giết mổ trên địa bàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn các điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh từ hoạt động giết mổ. Tổng hợp các vấn đề trên sẽ tạo nên nền tảng quan trọng để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp hỗ trợ chính quyền địa phương và chủ đầu tư trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động giết mổ; kiểm tra, thẩm định kỹ thuật các dây chuyền giết mổ trước khi cơ sở đi vào hoạt động. Đồng thời, tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về quy trình kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; thành lập tổ thanh, kiểm tra tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về yêu cầu vệ sinh thú y và xử lý các trường hợp vi phạm.
Mỗi địa phương xây dựng một cơ sở giết mổ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, thu hút nhà đầu tư xây dựng cơ sở GMĐVTT. Tại TX An Nhơn, có 2 nhà máy GMĐVTT dự kiến chính thức hoạt động đầu tháng 10.2022. Theo đó, Nhà máy GMĐVTT của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại Bình Định (Khu công nghiệp Nhơn Hòa) rộng 10.000 m2, đủ năng lực giết mổ 1.000 con/ngày đêm, chế biến chuỗi sản phẩm của DN theo quy trình khép kín. Nhà máy GMĐVTT tại Nhơn An do Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quy Nhơn đầu tư xây dựng là nơi tập trung các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn TX An Nhơn, các xã khu Đông Tuy Phước và khu Đông Phù Cát. Nhà máy được xây dựng với quy mô 2 ha tại thôn Tân Dương, xã Nhơn An với 2 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 xây dựng nhà máy giết mổ với công suất 500 con/ngày đêm; giai đoạn 2 lắp đặt dây chuyền chế biến thực phẩm đông lạnh với năng lực sản xuất 1.000 tấn thịt đông lạnh/năm. Ở giai đoạn đầu, nhà máy là nơi sản xuất mới của 150 hộ hành nghề giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn TX An Nhơn, 46 hộ khác từ huyện Tuy Phước, những hộ hành nghề giết mổ nhỏ lẻ ở khu Đông Phù Cát nếu có nhu cầu cũng được khuyến khích chuyển cơ sở sản xuất vào đây.
Nhà máy GMĐVTT tại Nhơn An được Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thực phẩm Quy Nhơn gấp rút hoàn thiện các hạng mục, dự kiến đầu tháng 10.2022 đưa vào hoạt động. Ảnh: NGỌC DIỆP.
Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, việc đưa vào hoạt động cơ sở GMĐVTT Nhơn An giúp địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư; bước đầu đưa hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn vào nề nếp. Hiện, TX An Nhơn giao Phòng Kinh tế phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án và kế hoạch di dời, vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ đưa vào nhà máy hoạt động.
Tương tự, tại huyện Tây Sơn, hiện chính quyền các cấp tiến hành xây dựng kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn cho biết, hiện UBND huyện Tây Sơn đã quy hoạch khu dịch vụ nông nghiệp, trong đó có khu GMĐVTT với quy mô 10 ha tại thôn Đồng Xiêm, xã Tây Xuân; trong quý III.2022, huyện có kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm đáp ứng được yêu cầu giết mổ tập trung, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
THU DỊU