Bình Định - Nam Lào: Nghĩa tình sắt son, hợp tác bền vững - Kỳ cuối: Kỷ niệm mãi xanh
Dù bao năm tháng trôi qua, những ấn tượng đẹp về nước Lào, sự gần gũi chân thành của người dân Lào, tình cảm sâu sắc của các bạn Lào vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của nhiều người Bình Định từng chiến đấu, công tác, học tập, giao lưu ở xứ sở Triệu Voi.
Son sắt một tình bạn
Ở TP Quy Nhơn hiện có một chứng nhân “đặc biệt” cho quan hệ Việt - Lào là đại tá Tăng Xuân Ngọc (91 tuổi, quê An Lão), Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào tỉnh Bình Định, nguyên Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Lào tỉnh.
CCB Tăng Xuân Ngọc rất trân trọng chõ xôi bằng bạc được bạn thân Saman Viyaket (khi ấy là Chủ tịch Quốc hội Lào) đến tận nhà thăm tặng. Chiếc áo ông Ngọc mặc chụp hình cũng được ông Saman Viyaket tặng trong một dịp khác. Ảnh: H.THU
Chàng thanh niên Tăng Xuân Ngọc năm 19 tuổi đã tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào, rồi gắn bó ở nước bạn hơn 30 năm với nhiều cống hiến. Ký ức từ những ngày đầu sang Lào đến nhiều tháng năm “nghĩa nặng tình sâu” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người CCB ở tuổi thượng thọ. Trong cuộc trò chuyện tại nhà ông Ngọc cuối tháng 8.2022, thấy tôi có vẻ “bán tín bán nghi” khi ông vô tình nhắc đến người “bạn thân” nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào Saman Viyaket, ông thoáng mỉm cười, rồi xúc động chia sẻ kỷ niệm không bao giờ quên.
Hai chàng thanh niên Việt - Lào đã “chung một chiến hào” ở Trung đội trinh sát khu Hạ Lào (thuộc Liên quân Lào - Việt) cách đây hơn 70 năm, khi đó Tăng Xuân Ngọc làm Trung đội trưởng và Saman Viyaket làm Trung đội phó. Gắn bó cùng nhau qua những năm tháng gian khổ, chiến đấu kiên cường là nền tảng quan trọng để tình bạn đẹp của họ bền vững mãi về sau.
“Thực ra, ai từng chiến đấu ở Lào đều thấy nhân dân Lào không coi người Việt Nam là người nước ngoài. Tôi ở Lào hơn 30 năm, thấu hiểu sâu sắc người dân Lào yêu quý người Việt như anh em trong nhà. Điều quan trọng này có được là từ khởi nguồn truyền thống lịch sử tốt đẹp giữa hai nước, sự gắn bó, giúp đỡ chân thành giữa người dân hai nước, cùng sự dày công vun đắp của Việt Nam khi có Đảng, Bác Hồ, quân tình nguyện Việt - Lào... được tiếp nối cho đến nay”.
CCB TĂNG XUÂN NGỌC
“Khi Saman Viyaket còn làm Chủ tịch Quốc hội Lào, mỗi lần tôi có dịp qua thủ đô Viêng Chăn, ông không cho tôi ở khách sạn mà mời về nhà ở. Cách đây hơn chục năm, khi qua thăm tỉnh Bình Dương, Saman Viyaket gọi điện mời tôi vào gặp. Tỉnh ủy Bình Dương có bố trí cho tôi một phòng ở đặc biệt, nhưng Saman Viyaket vẫn nói qua ở cùng phòng, ngủ chung giường với bạn để ôn lại kỷ niệm, tâm sự nhiều chuyện...”, ông Ngọc kể.
Hiện phòng khách trong căn nhà nhỏ của ông Ngọc vẫn trưng bày trang trọng hai kỷ vật do Chủ tịch Quốc hội Lào Saman Viyaket đến tận nhà tặng cách đây nhiều năm. Đó là một bức tranh nhỏ chạm khắc nổi bằng chất liệu bạc thể hiện hình ảnh di sản văn hóa 3 nhóm dân tộc chính của Lào; cùng một chõ xôi nhỏ (đan rất khéo léo bằng sợi bạc nguyên chất) là vật dụng truyền thống đặc trưng của người Lào (thường được đan bằng tre).
Ông Ngọc xúc động chia sẻ: “Khi trao tặng chõ xôi, Saman Viyaket cũng rưng rưng nhắc lại đây là vật ý nghĩa để chúng ta cùng luôn nhớ mãi người dân Lào đã cho cơm nếp vào chõ, góp phần nuôi các chiến sĩ Liên quân Lào - Việt trong những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng...”.
Năm 2016, khi nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào Saman Viyaket qua đời, ông Tăng Xuân Ngọc qua Viêng Chăn viếng, vĩnh biệt người bạn thân thiết. Cũng trong dịp này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào thấy ông Ngọc, mong muốn ông ở lại thêm và đi tham quan. Tháp tùng ông Ngọc là một trợ lý của Tổng Bí thư Lào Bounnhang Volachith. Ông Ngọc được đưa đón bằng chuyên cơ, xe cảnh sát dẫn đường, có Bí thư, Tỉnh trưởng các tỉnh Bắc Lào tiếp đón trang trọng... Đi đến đâu, theo lời căn dặn của Tổng Bí thư Lào, người trợ lý đều giới thiệu ngắn gọn nhưng sâu sắc về ông Ngọc là “một đồng chí Việt Nam có nhiều công tích với nước Lào”.
Như người thân…
Gắn bó với sinh viên Lào tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn gần 8 năm nay, cô Vũ Thị Như Thùy (SN 1978, giảng viên phụ trách sinh viên Lào) được học trò dành nhiều tình cảm kính mến. “Đầu năm 2017, tôi rất vui khi được tỉnh cử đi học 9 tháng tại Trung tâm tiếng Lào thuộc Trường ĐH Champasak. Đây là cơ hội để tôi học tiếng mẹ đẻ của các em, từ đó gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các sinh viên. Cũng từ đây, tôi được tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống nước bạn; ấn tượng về đất nước và con người Lào ngày càng rõ nét”, cô Thùy kể.
Cô Vũ Thị Như Thùy trong tiết dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào. Ảnh: N.MUỘI
Khi trở về trường, cô Thùy tự tin hơn với việc giảng dạy cho sinh viên Lào. Sắp xếp thời gian vào buổi tối, cô vào ký túc xá trò chuyện với sinh viên Lào để rút ngắn khoảng cách, theo dõi tiến độ học tập của từng em, kịp thời động viên, nhắc nhở, nhất là trong thời gian dịch Covid-19. Như, trường hợp của Kombodem Khampanh (sinh viên khóa 15, nghề Điện công nghiệp) đón nhận cú sốc khi hay tin bố mất vì Covid-19, 2 cháu ruột cũng qua đời vì đuối nước, khiến cậu sinh viên Lào không còn tâm trí cho việc học. Cô Thùy kịp thời động viên Kombodem gắng vượt qua nỗi đau, nỗ lực học tập; đồng thời đề xuất đưa Kombodem vào danh sách các sinh viên được trường nhận đỡ đầu, hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt.
Cô Thùy cũng là một phần kỷ niệm đẹp với các lưu học sinh Lào đã tốt nghiệp. Thường xuyên liên lạc với cô tâm sự, trò chuyện, Soukhaphan Thonglakhone (sinh viên khóa 13, Trung cấp Công nghệ ô tô) bày tỏ: “Tôi thường trò chuyện với cô Thùy bằng tiếng Việt để cô biết rằng tôi không quên ngôn ngữ này, đồng thời bày tỏ niềm kính trọng với cô. Với chúng tôi, cô Thùy đã trở thành người thân mà sinh viên Lào hoàn toàn tin tưởng, yên tâm chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống”.
Cầm trên tay tấm ảnh kỷ niệm chụp chung với sinh viên Lào các khóa, cô Thùy xúc động chia sẻ: “Ngay khi biết tôi đang ở Lào, nhiều em cựu sinh viên đã thay phiên nhau đến thăm, tặng quà, mời về gia đình ăn bữa cơm thân mật. Có em ở cách hơn 60 cây số mà vẫn chạy xe máy đến chở tôi đi tham quan… Tình cảm sâu sắc, bền chắc này là điều tôi trân quý nhất”.
Giữ mãi ấn tượng đẹp
Dù chỉ qua thăm và lưu lại thời gian ngắn, nhưng ấn tượng đẹp về nước bạn Lào vẫn vẹn nguyên trong nhiều người Bình Định. Thiếu tá Lâm Phú Phong, Chính trị viên Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn Bộ binh 739, Bộ CHQS tỉnh) chia sẻ rằng anh may mắn được hai lần tham gia Liên hoan thanh niên Bình Ðịnh - Champasak. Qua mỗi lần giao lưu, anh đều rất xúc động trước những tình cảm nồng ấm, thắm tình hữu nghị mà các bạn thanh niên Lào dành cho thanh niên của tỉnh.
“Qua các chuyến đi này, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tình hữu nghị giữa hai nước, có thêm kiến thức về văn hóa, con người nước bạn. Là thế hệ tiếp nối, tôi sẽ cố gắng truyền lửa đến đồng đội, các bạn trẻ về tình bạn đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào”, thiếu tá Phong bộc bạch.
Năm 2019, anh Bùi Tuấn Kiệt vinh dự được tham gia đoàn sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Quy Nhơn trên đất bạn Lào. Anh Kiệt (hiện là chuyên viên chuyên trách Đoàn Thanh niên Trường ĐH Quy Nhơn) kể lại rằng mình cùng các thành viên trong đoàn tổ chức các hoạt động tình nguyện “Tiếp sức đến trường” tại các điểm trường khó khăn của tỉnh Champasak, như: Sơn mới toàn bộ bàn ghế học sinh và hệ thống tường trong và ngoài phòng học; tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các buổi sinh hoạt cho học sinh...
Anh Kiệt chia sẻ: “Học sinh ở Champasak rất ngoan, được các anh chị tổ chức trò chơi, các em đều tham gia rất nhiệt tình. Trong quá trình hoạt động tình nguyện, chúng tôi được nhận lại rất nhiều tình cảm thương mến của người dân Lào và có nhiều trải nghiệm bổ ích. Đây thực sự là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời tôi nơi vùng đất Triệu Voi hiền hòa”.
HOÀI THU - HỒNG PHÚC - DƯƠNG LINH