Nâng cao hiệu quả thi đua, khen thưởng
Với nhiều điểm mới quan trọng, Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 (được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15.6.2022 tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2024) được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.
Nhiều điểm mới
Theo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, so với văn bản luật ban hành năm 2003 (được sửa đổi, bổ sung nhiều lần sau đó), Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 có nhiều điểm mới.
Trước tiên, Luật đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Hội nghị biểu dương công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu năm 2022 do LĐLĐ tỉnh tổ chức tháng 5.2022. Ảnh: H.THU
Trong đó, có các nhóm điểm mới chủ yếu sau: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng. Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó; đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây. Đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến).
Đồng thời, còn có những điểm mới: Chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các LLVT, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Giải quyết căn bản vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân. Mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập. Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Lan tỏa, thúc đẩy các phong trào thi đua
Tại Hội nghị sơ kết giao ước thi đua 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung được UBND tỉnh Bình Định đăng cai tổ chức cuối tháng 8.2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong thời gian tới là triển khai quán triệt, phổ biến Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân trên địa bàn các tỉnh trong Cụm thi đua.
Phát biểu tại Hội nghị, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định Bùi Hoàng Linh, một trong những giải pháp cần thực hiện là kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, xuất sắc; quan tâm khen thưởng nhiều hơn đối với những người trực tiếp lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn… Đây cũng là sự chủ động triển khai nguyên tắc khen thưởng theo Luật.
Cũng tại Hội nghị trên, thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ CA, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (phụ trách Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung), yêu cầu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt, chủ động nghiên cứu hướng dẫn Luật để chuẩn bị cho việc triển khai khi Luật có hiệu lực.
“Việc khen thưởng phải đúng quy định, trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, khách quan, dân chủ, công khai. Từ đó, có tác động tạo lan tỏa, thúc đẩy các phong trào thi đua đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; biểu dương đúng, kịp thời động viên, khuyến khích những điển hình đóng góp tích cực”, đồng chí Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) Phạm Thị Hồng Vân, đơn vị đang xây dựng dự thảo Kế hoạch phổ biến Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15. Trong đó, có đề xuất tổ chức Hội nghị quán triệt phổ biến Luật; tổ chức biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật; cùng các hình thức tuyên truyền khác.
“Việc phổ biến phải đảm bảo yêu cầu chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng các hình thức, phù hợp với từng đối tượng; gắn việc phổ biến luật này với thực hiện nhiệm vụ chính trị; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai; bảo đảm sau ngày 1.1.2024 Luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả”, bà Vân nhấn mạnh.
HOÀI THU