Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh: Tự hào truyền thống 70 năm thành lập
(BĐ) - Nhân kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12.8 âm lịch), sáng 7.9, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Sở VH&TT tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ðoàn tuồng Liên khu 5 - nay là Ðoàn tuồng Ðào Tấn (1952 - 2022) và 60 năm thành lập Ðoàn văn công giải phóng - nay là Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh (1962 - 2022) - tiền thân của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
Đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dự lễ có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; cùng các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhân viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
Năm 1952, Thường vụ Khu ủy khu 5 quyết định thành lập Đoàn tuồng Liên khu 5. Đến năm 1962, Tỉnh ủy Bình Định quyết định thành lập Đoàn văn công giải phóng Bình Định, thực hiện nhiệm vụ biểu diễn, động viên tinh thần quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật giới thiệu nghệ thuật tuồng, bài chòi tại buổi lễ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ra đời trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm ác liệt, nhiều thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ Đoàn tuồng Liên khu 5 và Đoàn văn công giải phóng Bình Định đã không quản khó khăn, gian khổ, dưới mưa bom, bão đạn sẵn sàng hy sinh để mang lời ca, tiếng đàn động viên, cổ vũ tinh thần cho quân dân ta, góp phần cùng với cả nước làm nên thắng lợi lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.
Trong thời kỳ đổi mới, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh nỗ lực bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng, bài chòi. Song song với việc biểu diễn phục vụ nhân dân, Nhà hát còn khai thác, dàn dựng, phục hồi nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật và đạt thành tích cao trong các cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chúc mừng, biểu dương những nỗ lực, tâm huyết và thành tựu mà Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã đạt được; đồng thời đề nghị Nhà hát tiếp tục kế thừa và phát huy tốt truyền thống vẻ vang sau hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu Sở VH&TT chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ nghệ sĩ trong thực hành và truyền dạy loại hình nghệ thuật truyền thống; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh trong thời gian tới…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (đứng giữa) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (ngoài cùng bên phải) trao quà tặng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cho hai đoàn nghệ thuật của Nhà hát. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng 100 triệu đồng cho Đoàn tuồng Đào Tấn và 100 triệu đồng cho Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, nhằm động viên, khích lệ tinh thần tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhân viên của hai đoàn vững bước trên con đường nghệ thuật.
NGỌC NHUẬN