Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp
Mấy năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số được Sở Công Thương triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ DN, đặc biệt là trong việc tiếp cận sàn giao dịch điện tử, thúc đẩy tăng trưởng thương mại. Phóng viên Báo Bình Định phỏng vấn ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương xung quanh vấn đề này.
Ông NGÔ VĂN TỔNG
*Hiện trạng, nền tảng để Sở Công Thương đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số là gì, thưa ông?
- Hiện nay, nền tảng để thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS) mà chúng tôi dựa vào là: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở đã nhận thức tích cực về CĐS; hạ tầng công nghệ thông tin từng bước được đầu tư, nâng cấp; hệ thống văn phòng điện tử để tiếp nhận, xử lý văn bản, dự thảo, phê duyệt, ký số, ban hành văn bản điện tử và gửi liên thông đến các cơ quan, đơn vị đã vận hành ổn định…
Bên cạnh đó, trong xu thế phát triển chung của thương mại điện tử, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN và năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
* Sở Công Thương đã làm gì để hỗ trợ DN tiếp cận với nền kinh tế số?
- Để hỗ trợ DN tiếp cận với nền kinh tế số, Sở đã chủ trì phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty CP Công nghệ Haravan (TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Giải pháp phát triển DN IViet (Hà Nội) tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cho cán bộ quản lý Nhà nước và DN về xu hướng, cơ hội kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, cách thức tiếp cận và xây dựng chiến lược tiếp thị trực tuyến cho DN vừa và nhỏ.
Đồng thời, xây dựng, vận hành kênh bán hàng chuyên nghiệp với website, mạng xã hội… Đơn cử, trong năm 2022, Sở đã hỗ trợ 10 DN, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh xây dựng website thương mại điện tử; hỗ trợ 10 DN áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Sở tiếp tục duy trì và nâng cấp website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa Bình Định và các tỉnh phía Nam nước Lào (VietLao.vn) nhằm hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu...
Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và tự động hóa vào chăn nuôi. Ảnh: TRỌNG LỢI
* Thưa ông, từ nay đến năm 2030, Sở Công Thương có định hướng gì để phát triển chuyển đổi số?
- Thực hiện kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 25.4.2022 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về CĐS tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch CĐS năm 2022. Trong đó, tập trung đổi mới tư duy, nhận thức về CĐS, phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực, chính quyền số, kinh tế số. Phấn đấu đến năm 2030, thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên lĩnh vực công nghiệp và thương mại, góp phần nâng thứ hạng của tỉnh Bình Định trong xếp hạng đánh giá CĐS quốc gia hằng năm.
Cụ thể là phấn đấu đến năm 2030, sẽ có 100% hồ sơ công việc của Sở được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Trên 70% hoạt động kiểm tra của Sở được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Phấn đấu tối thiểu 80% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử; tối thiểu 80% các DN nhỏ và vừa hoạt động trên lĩnh vực công thương thực hiện CĐS.
* Theo ông, DN cần phải chuẩn bị gì để tham gia CĐS và phát huy vào sản xuất, kinh doanh?
- Theo tôi, DN cần tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS thông qua xác định chính xác hiện trạng của DN. Đây là cơ sở để DN sẽ xây dựng chiến lược CĐS tích hợp để phát triển cơ cấu tổ chức, quy trình sản xuất, kinh doanh, hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng phù hợp.
Trong bối cảnh CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, DN cần nhanh chóng mở rộng hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc khách hàng. Đồng thời, kiểm soát tốt chuỗi cung ứng - quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng - để tăng cường lợi thế cạnh tranh, kiểm soát hiệu quả chi phí, đảm bảo hàng hóa đáp ứng được nhu cầu khách hàng và với chi phí thấp nhất.
Trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ tập trung tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại điện tử, đặc biệt là những DN thương mại điện tử lớn để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng DN. Tăng cường kết nối với các nhà cung cấp giải pháp, tư vấn tốt, chuyên nghiệp để hỗ trợ DN thực hiện CĐS.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)