Cảnh giác với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Các phiên tòa xét xử tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gần đây cho thấy, phương thức, thủ đoạn không mới, nhưng đa dạng và tinh vi hơn, khiến nhiều người sập bẫy và mất tài sản.
24 năm tù giam là tổng mức án do Hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Trần Quân (SN 1987, ở TP Quy Nhơn) cùng đồng bọn phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 31.8 vừa qua. Đáng nói, thủ đoạn phạm tội của nhóm Quân hết sức tinh vi, bài bản.
Bị cáo Trần Quân cùng đồng bọn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội trước hội đồng xét xử. Ảnh: K.A
Cụ thể, Quân liên hệ với anh Đ.H.B. (ở TP Hồ Chí Minh) hỏi vay tiền trong ngày để giải ngân; đôi bên thống nhất thực hiện việc giao nhận tiền qua tài khoản và chuyển trả ngay sau đó với lãi suất 0,2%, phía người vay phải chịu chi phí đi lại. Đến hẹn, hai bên gặp nhau tại ngân hàng A. (TP Quy Nhơn) để làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản của Công ty TNHH SXTM&DV Tân Vinh Việt do Quân làm giám đốc, với số tiền 3,074 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Quân đánh lạc hướng, vờ nghe điện thoại và bỏ chạy ra khỏi ngân hàng, lên mô tô do Phạm Thanh Hiếu (SN 1989, ở TX An Nhơn) điều khiển đợi sẵn để tẩu thoát. Sau đó, Quân cùng đồng bọn chia nhau số tiền chiếm đoạt, dùng để trả nợ, ăn chơi tiêu xài.
Tại tòa, Quân thừa nhận để thực hiện trót lọt việc này, bị cáo đã bàn bạc cùng Nguyễn Thanh Sơn (SN 1990, ở TP Quy Nhơn) và Hiếu chi tiết nhiệm vụ của từng người. Theo đó, Hiếu có nhiệm vụ đứng đợi bên ngoài ngân hàng để khi Quân ra thì cùng nhau tẩu thoát; khi tiền vào tài khoản của Quân, Sơn dùng điện thoại và tài khoản của Quân chuyển tiền qua tài khoản do Sơn đứng tên.
“Cũng vì làm ăn thua lỗ, áp lực phải trả nợ cho nhiều người nên bị cáo nghĩ tới việc chiếm đoạt tài sản của người khác”, Trần Quân thừa nhận.
Trong khi đó, đối tượng Đặng Ngọc Quân (SN 1986, ở huyện An Lão) thực hiện hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác bằng việc đi thuê ô tô rồi cầm cố. Không những thế, Đặng Ngọc Quân còn thuê người làm giả giấy chứng nhận đăng ký ô tô mang tên mình để cầm cố được nhiều tiền.
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng, điểm chung của loại tội phạm này là lợi dụng lòng tin của người khác để chiếm đoạt tài sản. Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Viện KSND tỉnh), cho biết: “Tội phạm này đang có dấu hiệu gia tăng, gây ra hệ lụy khá nặng nề, bởi giá trị thiệt hại lớn với nhiều bị hại. Hành vi phổ biến của loại tội phạm này là đánh trúng vào tâm lý hám lợi, tin tưởng của nhiều người từ việc trả lãi suất cao, thông qua hợp đồng kinh doanh hoặc dựa trên mối quan hệ quen biết để chiếm đoạt tài sản”.
Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, tội phạm liên quan đến kinh tế, sở hữu diễn biến phức tạp. Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng đã truy tố 26 vụ/33 bị can phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm trước); 8 vụ/9 bị can phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài (tăng 2 vụ); 9 vụ/25 bị can phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (tăng 7 vụ). Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra dưới nhiều hình thức như mua bán, cầm cố, thế chấp, vay mượn..., trong đó nạn nhân thường có quan hệ bạn bè, đối tác làm ăn với người phạm tội.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ việc là do một số người luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, bất chấp thủ đoạn, kể cả phạm pháp để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản người khác. Bên cạnh đó, nhiều bị hại cả tin, hám lợi, dễ sập bẫy.
Theo Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường, ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để kịp thời đưa ra xét xử các vụ án về kinh tế, sở hữu, trong đó có án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tuyên phạt các mức án nghiêm minh, đúng người, đúng tội để góp phần răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của nhóm tội phạm này.
KIỀU ANH