Trước mùa mưa bão năm 2022: Chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại
Theo dự báo của Ðài khí tượng thủy văn tỉnh, năm 2022 thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, các đợt mưa lũ xuất hiện dồn dập vào các tháng cuối năm. Riêng tỉnh Bình Ðịnh, mưa lớn xảy ra vào tháng 10 và tháng 11, và có khả năng chịu ảnh hưởng ít nhất 1 - 2 cơn bão lớn vào cuối năm.
Lên phương án phù hợp với từng địa phương
Đặc thù của khu vực huyện An Lão là địa hình phức tạp, độ dốc lớn, tình trạng sạt lở, lũ quét và chia cắt, cô lập những hình thái thiên tai thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số địa phương với tập quán sinh hoạt, sản xuất dựa vào sông, thường quần cư thành làng dưới chân núi nên khi thiên tai xảy ra mức độ nguy hiểm, thiệt hại rất lớn.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Ngay từ bây giờ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT - TKCN & PTDS) huyện chỉ đạo các địa phương rà soát lại phương án của từng xã, lên kế hoạch chi tiết, lập cảnh báo và ưu tiên di dời dân ở các vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn. Về phía huyện, để chủ động ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, huyện ký hợp đồng với các DN chuẩn bị máy móc, phương tiện sẵn sàng trong tình huống sạt lở; chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm dự trữ trong 1 tuần cho các vùng cô lập, chia cắt; tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các thành viên, các lực lượng xung kích trực chốt các điểm nguy hiểm, trực ban 24/24 trong tình huống khẩn.
Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi vớt bèo, nạo vét và gia cố các vị trí đê kè xung yếu trước mùa mưa bão năm 2021. Ảnh: VĂN LƯỢNG
TX Hoài Nhơn là địa phương có nhiều kinh nghiệm và tổ chức tốt việc ứng phó với thiên tai. Tuy vậy, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, khẳng định, chúng tôi không hề chủ quan. Hoài Nhơn có 2.351 tàu cá, trong đó 2.200 tàu cá hoạt động xa bờ. Do vậy, khi có cảnh báo về áp thấp nhiệt đới trên biển, chúng tôi liên tục gửi cảnh báo tới chủ tàu và các tàu đang ở ngoài khơi, di chuyển đến vùng an toàn. Ngay từ đầu năm nay, TX Hoài Nhơn tập trung xây dựng phương án cho việc di dời dân cư ở các vùng xung yếu thuộc xã, phường ven biển; giao Ban quản lý cảng cá Tam Quan kiểm tra tình hình khu neo đậu tránh trú bão…
Ưu tiên phương châm “4 tại chỗ”
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN &PTDS tỉnh, năm 2021 thiên tai trên địa bàn tỉnh nghiêm trọng, tuy nhiên nhờ công tác phòng ngừa, ứng phó hiệu quả nên đã hạn chế được thiệt hại. Đó là xét trên mặt bằng chung của cả tỉnh, song thực tế ở nhiều địa phương vì xây dựng kế hoạch chung chung, chưa bám sát thực tế dẫn tới bị động trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Nhiều địa phương đều nêu rõ phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT - TKCN & PTDS tuy nhiên triển khai thực tế lúng túng, chỉ đảm bảo “chỉ huy tại chỗ”, 3 yếu tố còn lại chưa đảm bảo.
Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm 2022 TP Quy Nhơn chủ động chuẩn bị PCTT - TKCN & PTDS từ rất sớm. Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: TP Quy Nhơn có 3 mối lo lớn khi mùa mưa bão đến. Đó là sạt lở ở khu dân cư gần núi Bà Hỏa, xã đảo Nhơn Châu bị cô lập và ngập lụt ở vùng trũng thấp. Năm nay, thành phố tập trung di dời 7 hộ dân ở khu vực 1 phường Đống Đa; lên phương án di dời dân ở khu vực Hóc Bà Bếp; chuẩn bị 10 tấn lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu dự trữ cho vùng xã đảo Nhơn Châu, cử lực lượng xung kích, nhân viên y tế cắm chốt ở xã đảo trong tình hình bị chia cắt. Trong tháng 9.2022, TP Quy Nhơn kiện toàn các tổ xung kích và triển khai kế hoạch diễn tập công tác PCTT - TKCN & PTDS cho các phường, xã.
Tương tự, với huyện Tuy Phước, ngành chức năng tập trung cho công tác di dời dân xen ghép ở các vùng trũng thấp; chuẩn bị đầy đủ mặt hàng lương thực, thực phẩm dự trữ cho vùng bị chia cắt. Hiện nay, huyện tập trung nạo vét hệ thống tiêu thoát lũ, gia cố các vị trí đê kè xung yếu.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT - TKCN & PTDS tỉnh cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở NN&PTNT lên kế hoạch chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra các phương án thực tế. Cùng các địa phương xây dựng kế hoạch ưu tiên cho “4 tại chỗ” để hạn chế thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân.
Cùng với đó, Sở giao đơn vị chuyên môn rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng để quy hoạch lại rừng phòng hộ; xây dựng bản đồ cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở, ngập lụt để người dân biết. Phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để đưa tin kịp thời, nhanh, chính xác về diễn biến thiên tai, tăng tính chủ động cho người dân cùng phòng ngừa.
THU DỊU