Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn: Ðang trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn
Vừa qua, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ hội để Chùa Bà trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn gắn liền với Chùa Bà ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (ảnh), trung tâm của lễ hội này, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc. Nhờ nỗ lực bảo tồn bảo tàng của địa phương, nhiều hoạt động truyền thống trong khuôn khổ Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được khôi phục, đáng kể có: Nghi thức rước biểu trưng ngư - tiều - canh - mục, hội bài chòi cổ dân gian, múa lân, hát tuồng...
Có thể nhận ra lễ hội này chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống quý báu như tinh thần đoàn kết cộng đồng, tôn trọng sự khác biệt văn hóa thông qua giao lưu, tiếp biến và dung nạp văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa, Chăm và cả người phương Tây mà việc cùng thờ Thành hoàng, Thiên Hậu Thánh Mẫu và bà Chúa Thai Sinh - Bảo sản trong chùa là một minh chứng. Các giá trị nhân bản như sự nhớ ơn, tôn vinh công lao của tiền nhân, ước vọng về cuộc sống phồn sinh, phát triển, đức hạnh, lòng hiếu thảo, đức hy sinh, lòng nhân ái xả thân vì mọi người... là những giá trị tinh thần được tôn vinh.
Cách Chùa Bà không xa là di tích còn lại của nhà thờ Nước Mặn được xây dựng vào thời Cảng Thị Nước Mặn phồn vinh. Tại đây, từ đầu thế kỷ XVII, các tu sĩ người Ý và Bồ Đào Nha của dòng Tên đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, đây cũng là nơi trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên mọc lên. Trong lịch sử hình thành và phát triển, Cảng thị Nước Mặn từng là trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo của xứ Đàng Trong thời phồn thịnh.
Sau khi UBND tỉnh công nhận Chùa Bà là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2010, huyện Tuy Phước đã quy hoạch, mở rộng khu vực tôn tạo, khai thác sử dụng, mở rộng đường vào di tích; đồng thời, Ban quản lý di tích Chùa Bà cũng tu sửa, mở rộng phần chính điện và nhiều công trình phụ trợ khác. Việc chính quyền và cộng đồng chung tay tôn tạo khiến di tích Chùa Bà khang trang hơn mà vẫn giữ được nét cổ kính vốn có”, ông Huỳnh Thanh Trang, Trưởng phòng Phòng VH-TT huyện Tuy Phước, cho biết.
Ngày 30.8 vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu huyện Tuy Phước phối hợp với Sở VH&TT, Cục Di sản văn hóa xúc tiến lập quy hoạch mở rộng khuôn viên Chùa Bà hiện tại xứng tầm với một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong định hướng sắp tới, Tuy Phước xác định đây là điểm du lịch văn hóa quan trọng của huyện. Do vậy, sẽ tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị của di sản; mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động lễ hội để vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa thu hút khách du lịch.
NGÔ HỒNG SƠN