Lực lượng họa sĩ trẻ Bình Định: Mờ nhạt, chưa tạo được dấu ấn
Nếu tính mốc họa sĩ trẻ là những người dưới 35 tuổi, thì lực lượng họa sĩ trẻ Bình Định đang đeo đuổi đam mê sáng tác, có tác phẩm tương tác trong giới hội họa, khá ít ỏi. Đúng hơn, là mờ nhạt, chưa tạo được dấu ấn trong mỹ thuật khu vực và dòng chảy mỹ thuật đương đại.
1. Tôi nhớ đến một vựng tập mỹ thuật khá đẹp phát hành hồi đầu năm 2022 - Nghệ thuật thị giác Bình Định. Ở đó, tôi bắt gặp nhiều gương mặt họa sĩ trẻ quê gốc Bình Định như Phan Vũ Như Uyên, Huỳnh Hiền, Lê Đức Phú Quang, Nguyễn Thành Tâm... Những sáng tác của họ đã cho thấy sự chắc tay và cá tính sáng tác, nhiều hy vọng phát triển. Tuy nhiên, lực lượng trẻ này lại “bắt rễ” và đang sinh hoạt nghệ thuật ở các tỉnh, thành khác.
Họa sĩ trẻ Ngô Thiên Thạch bên tác phẩm của mình (bức tranh ở trên) tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V (Nam miền Trung và Tây Nguyên) lần thứ 27 vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Ảnh: V.P
Lực lượng mỹ thuật trẻ đang sinh sống, làm việc tại Bình Định, đang còn chuyên chú sáng tác, nỗ lực khẳng định mình, chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó thường xuyên có tác phẩm mới là hai họa sĩ Nguyễn Xuân Quang và Hoa Thi. Tuy nhiên cả hai đều không có tác phẩm được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực V (Nam miền Trung và Tây Nguyên) lần thứ 27 vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Tại triển lãm này, Bình Định chỉ có một đại diện họa sĩ trẻ được chọn - họa sĩ Ngô Thiên Thạch, với tác phẩm Bỏ quên (chất liệu acrylic). Nhưng chính Thạch cũng thừa nhận, bản thân anh đang theo công việc vẽ tranh tường, chứ chưa đủ điều kiện để chuyên chú vào sáng tác.
2. Tôi từng có nhiều cuộc trò chuyện với các họa sĩ trẻ. Khi hỏi han về hoạt động sáng tạo, nhiều người chia sẻ chuyện khó khăn kinh tế, không có nhiều thời gian nuôi dưỡng ý tưởng, chăm chút tác phẩm. Tôi từng chứng kiến một nữ họa sĩ trẻ không kềm được nước mắt khi bộc bạch về nghề. Chị cũng muốn sáng tác, cũng muốn thỏa đam mê làm nghệ thuật nhưng áo cơm cuộc đời cứ kéo chị theo với nghề chép tranh vô vị. Đến khi đặt bút lên giá vẽ, để vẽ gì đó dành cho riêng mình, chị lại khựng lại với bao ngổn ngang. Vẽ gì để đó thực thụ là một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ? Làm sao để chăm bẵm tác phẩm? Rồi ai đón nhận, có đủ để nuôi con không?... Nữ họa sĩ ấy từng có một số tác phẩm được các đàn anh, đàn chị ghi nhận có tố chất triển vọng, nhưng rồi đã mất hút trong dòng chảy mỹ thuật đương đại Bình Định... như tâm tư mà chị chia sẻ.
Tại Triển lãm kể trên, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh đến tác phẩm mới, gương mặt mới, hy vọng mới cho xu thế phát triển của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Ông chia sẻ: “Tôi hy vọng, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, 9 tỉnh thành phố trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho sự phát lộ những thế hệ trẻ nữa mang lại một sức sống tươi tắn, nhiều sáng tạo cho mỹ thuật Việt Nam đương đại”.
3. Sự thiếu hụt của lực lượng mỹ thuật trẻ Bình Định tạo nhiều hẫng hụt với người quan tâm đến hội họa. Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngay lực lượng họa sĩ đàn anh ở Bình Định, người mặn mà với sáng tác, cũng rất ít. Quanh quẩn cũng vẫn như gương mặt đã cũ mòn trong hơn 20 năm qua. Sự nguội lạnh đam mê sáng tạo, thiếu chuyên tâm nghiêm túc, thói quen vẽ theo kiểu “đối phó để trấn an chính mình khiến cho mỹ thuật Bình Định thiếu vắng đột phá, bước tiến nổi bật.
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội VHNT Bình Định) thẳng thắn nhìn nhận: 5 năm qua, các họa sĩ Bình Định đã có nhiều nỗ lực. Mỗi người một cách tiếp cận lao động sáng tạo để lại dấu ấn riêng. Vài cá nhân rất năng động kết nối sáng tạo và gặt hái được nhiều thành tựu, góp phần thúc đẩy phát triển vị thế Mỹ thuật Bình Định trong khu vực. Tuy vậy, số hội viên hoạt động sôi nổi trong 5 năm qua đâu đó chỉ khoảng 10 người. Một vài người trẻ có nỗ lực cố gắng nhưng chưa thấy những điểm sáng đột phá. Khoảng cách giữa họa sĩ trẻ so với lớp đàn anh trong tỉnh còn khá xa, còn nếu so sánh với một số tỉnh trong khu vực, lực lượng họa sĩ trẻ của Bình Định rất mỏng.
Rõ ràng mỹ thuật Bình Định đang bị khủng hoảng về lực lượng trẻ. Cả về lượng và chất. Thẳng thắn nhìn ra vấn đề đang tồn tại, để những họa sĩ trẻ soi chiếu lại, có những lập trình cụ thể để nỗ lực hơn, nuôi dưỡng đam mê, tạo sự bứt phá để khẳng định mình. Bên cạnh đó, cũng cần có sự kết nối, tương tác, những hoạt động mỹ thuật lành mạnh, mang tính chuyên môn cao từ những họa sĩ tiền bối và những người làm công tác văn hóa, để đẩy mạnh sự phát triển và nâng tầm mỹ thuật Bình Định.
VÂN PHI