Tạo động lực phát triển y tế, giáo dục
LTS: Tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề) tổ chức ngày 7.9, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, nhất là trên lĩnh vực y tế, giáo dục. Báo Bình Định trân trọng giới thiệu 2 nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực này.
1. Nghị quyết ban hành Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022 - 2025
Y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân; là nơi đầu tiên người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe bản thân khi bị ốm đau, khi có dịch bệnh. Những năm gần đây, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh đã từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, được đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn vốn khác nhau để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và phát triển, bổ sung nguồn nhân lực. Hoạt động của hệ thống y tế cơ sở đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Khám bệnh tại TTYT huyện Tây Sơn. Ảnh: N.HÂN
Tuy nhiên, đến nay, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chất lượng một số dịch vụ y tế chưa cao, kể cả lĩnh vực dự phòng, kiểm soát bệnh tật và lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, với diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 trong những năm vừa qua, hệ thống y tế cơ sở lại càng bộc lộ rõ những mặt còn hạn chế, tồn tại và thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, cơ chế hoạt động; đòi hỏi phải sớm được khắc phục, cải thiện để nâng cao năng lực, chất lượng triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và khả năng ứng phó với dịch bệnh thời gian tới.
Nghị quyết ban hành Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022 - 2025, đề ra mục tiêu chung là nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; đáp ứng cơ bản yêu cầu thực tiễn về kiểm soát dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới; thực hiện công bằng, hiệu quả trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết là đến năm 2025 hoàn thành xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh cho 11 TTYT huyện, thị xã, thành phố và 52 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, hoàn thành mua sắm, cung cấp đầy đủ các trang thiết bị y tế thiết yếu cho 159 trạm y tế theo danh mục Bộ Y tế quy định; mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế chuyên dùng chủ yếu cho các TTYT theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và theo năng lực sử dụng của từng đơn vị. Phát triển nguồn nhân lực y tế tại các TTYT và trạm y tế; cơ bản đáp ứng về số lượng, chất lượng, có cơ cấu nhân lực phù hợp với tổ chức bộ máy và nhu cầu hoạt động của cơ sở y tế. Rà soát, điều chỉnh tăng giường bệnh kế hoạch của các TTYT theo nhu cầu; đảm bảo tổng số giường bệnh kế hoạch của y tế tuyến huyện đạt từ 2.050 giường trở lên.
Cùng với đó, trên 95% dân số được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử. 100% trạm y tế thực hiện tốt các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã. Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã theo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành.
Tổng kinh phí để thực hiện Đề án là 700 tỷ đồng. Trong đó, xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng y tế 600 tỷ đồng (gồm tuyến huyện 441,5 tỷ đồng, tuyến xã 158,5 tỷ đồng); mua sắm trang thiết bị y tế 100 tỷ đồng (tuyến huyện 53 tỷ đồng, tuyến xã 47 tỷ đồng).
Dự kiến cơ cấu các nguồn vốn gồm: Ngân sách Trung ương hỗ trợ từ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH 166 tỷ đồng; vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (về giảm nghèo bền vững, về xây dựng nông thôn mới, về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) khoảng 20 tỷ đồng; ngân sách tỉnh khoảng 450 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện, xã và các nguồn vốn còn lại khoảng 64 tỷ đồng.
● BS VÕ THÀNH NAM BÌNH, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh:
Cần có chính sách thu hút, đãi ngộ tương xứng cho bác sĩ công tác tại cơ sở
Tập trung chăm lo sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu thốn cơ sở vật chất và nhân lực. Chính vì thế, Nghị quyết này được thông qua đáp ứng niềm mong mỏi của ngành Y tế cũng như niềm mong đợi của người dân trong tỉnh.
Lâu nay, chúng ta chỉ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho tuyến cuối cùng trong chăm lo sức khỏe của nhân dân, phần nào dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối. Khi Nghị quyết này được thực thi, chắc chắn sẽ giảm được lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện lớn.
Vấn đề tôi quan tâm là khi triển khai đề án, cùng với quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho hệ thống y tế cơ sở, tỉnh cần có chính sách thu hút, đãi ngộ bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế ở cơ sở. Tôi đề nghị nên có đề án riêng để quy định rõ chế độ thu hút, đãi ngộ đối với bác sĩ mới ra trường về công tác tại các TTYT và trạm y tế.
● Ông NGUYỄN XUÂN VIỆT, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh:
Sẽ có nhiều tác động tích cực
Vân Canh là huyện miền núi, đời sống về vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn; hệ thống y tế cơ sở còn nhiều mặt thiếu thốn, hạn chế. Do đó, việc thông qua Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi.
Nghị quyết đi vào thực tế sẽ tác động tích cực đến đời sống của người dân, góp phần nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng các dịch vụ y tế theo hướng toàn diện, liên tục; đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống các loại dịch, bệnh và tổ chức quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
● Ông ĐINH KHƯ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh:
Mong Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống
Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; trong thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi cách xa các bệnh viện tỉnh, huyện.
Người dân trên địa bàn xã rất vui mừng, phấn khởi khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết ban hành Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025 với các mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Mong rằng, sau khi được HĐND tỉnh thông qua, các cấp, các ngành cần sớm triển khai, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống để người dân được chăm lo sức khỏe ngày càng tốt hơn.
NGUYỄN QUÍ (Ghi)
NGUYỄN HÂN
2. Nghị quyết ban hành Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đến năm học 2021 - 2022, mạng lưới trường học mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và khoảng cách đi lại của học sinh. Tuy nhiên, trước yêu cầu cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đầy đủ, vẫn còn tình trạng thiếu phòng học, một số phòng học bán kiên cố xuống cấp... Việc đầu tư xây dựng để thay thế và đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng bộ môn, chức năng, phòng hiệu bộ nhằm cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của các trường là hết sức cần thiết.
Trường THCS Nhơn Phúc (TX An Nhơn) thuộc nhóm các trường có nhu cầu đầu tư xây dựng bổ sung, tăng cường cơ sở vật chất giai đoạn 2022 - 2025 nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: N.MUỘI
Với việc thông qua Nghị quyết ban hành Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025, Bình Định đang góp phần đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết được ban hành sẽ góp phần tăng cường về cơ sở vật chất trường học, đảm bảo đủ 1 phòng/lớp để triển khai dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp mầm non, tiểu học; bổ sung phòng học bộ môn, chức năng và phòng hiệu bộ đối với cấp THCS và THPT; xóa bỏ phòng học tạm, phòng học bị xuống cấp; tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, thực hiện mua sắm bổ sung và thay thế bàn ghế học sinh 2 chỗ ngồi theo tiêu chuẩn để trang bị cho các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, sẽ xây dựng bổ sung 65 phòng học và 43 phòng học bộ môn, chức năng, phòng hiệu bộ và một số hạng mục phụ trợ khác đối với giáo dục mầm non. Đối với giáo dục tiểu học, sẽ triển khai xây dựng bổ sung 55 phòng học và 86 phòng học bộ môn, chức năng, phòng hiệu bộ và một số hạng mục phụ trợ khác. Ở bậc THCS, xây dựng bổ sung 9 phòng học và 51 phòng học bộ môn, chức năng, phòng hiệu bộ và một số hạng mục phụ trợ khác. Thực hiện xây dựng bổ sung 17 phòng học và 33 phòng học bộ môn, chức năng, phòng hiệu bộ và một số hạng mục phụ trợ khác đối với giáo dục THPT.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 708,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hơn 335,6 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương (huyện, thị xã, thành phố) hơn 372,8 tỷ đồng.
● Ông MAI XUÂN TIẾN, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn:
Đảm bảo vốn đối ứng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học
Những năm qua, TX An Nhơn luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các cấp học. Đến nay, ở 3 cấp học: Mầm non - mẫu giáo, tiểu học, THCS có 739 phòng học kiên cố/864 phòng học, tỷ lệ kiên cố đạt 85,5%; trong đó: Tỷ lệ kiên cố bậc mầm non - mẫu giáo đạt 82,6%; bậc tiểu học đạt 79,7%; bậc THCS đạt 97,6%. Số lượng phòng tin học, ngoại ngữ, trang thiết bị phục vụ dạy học cơ bản đảm bảo phục vụ giảng dạy chương trình mới.
Tuy nhiên, do ngân sách địa phương còn khó khăn nên việc đầu tư cơ sở vật chất đến nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Số lượng phòng học kiên cố vẫn chưa đảm bảo 100%. Số phòng học chưa đáp ứng việc dạy 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục tiểu học. Tỷ lệ học sinh lớp 3, 4, 5 được học 2 buổi/ngày mới đạt 69,7%. Một số phòng học bộ môn, phòng chức năng chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.
Việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết là hết sức cần thiết; hỗ trợ rất lớn cho các địa phương, trong đó có TX An Nhơn để tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Khi UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến của các huyện, thị xã, thành phố, UBND TX An Nhơn đã tích cực phối hợp với Sở GD&ĐT đề xuất UBND tỉnh danh mục các trường lớp học cần thiết phải đầu tư. Đồng thời, chủ động đề xuất HĐND thị xã thống nhất đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn và năm 2023 đối với các công trình dự kiến đưa vào đầu tư giai đoạn 2022 - 2025. Thời gian tới, khi Nghị quyết được triển khai, UBND thị xã sẽ bố trí đảm bảo vốn đối ứng để đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng 11 trường học và trang thiết bị theo Đề án.
● Ông HUỲNH ĐỨC BẢO, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh:
Hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi
Thời gian qua, được sự hỗ trợ từ kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, sự đầu tư của tỉnh, huyện, cơ sở vật chất trường học các cấp trên địa bàn huyện miền núi Vĩnh Thạnh đã đảm bảo cơ bản. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, cơ sở vật chất trường học hiện tại vẫn còn một số khó khăn.
Việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết sẽ góp phần đảm bảo cơ sở vật chất, nhất là về bổ sung mua sắm bàn ghế, phòng học, phòng chức năng… để xóa bỏ phòng học tạm, phòng học bị xuống cấp, đảm bảo phát triển giáo dục, tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Theo khảo sát, trong giai đoạn 2022 - 2025, huyện Vĩnh Thạnh có nhu cầu đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất cho 6 trường: Mầm non thị trấn Vĩnh Thạnh (điểm trường chính), Mầm non Vĩnh Thuận, Tiểu học Vĩnh Hiệp, Tiểu học Vĩnh Thịnh (điểm trường chính Vĩnh Định), THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, THCS Vĩnh Hảo. Các trường mầm non có nhu cầu xây dựng phòng tin học, nghệ thuật, đa năng. Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp cần được đầu tư phòng âm nhạc, phòng ngoại ngữ, phòng mỹ thuật, phòng thư viện. Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh và Vĩnh Hảo cần được đầu tư các phòng bộ môn, chức năng…
Thuộc nhóm các địa phương được ngân sách tỉnh hỗ trợ lên đến 90% vốn thực hiện các công trình, hạng mục cơ sở vật chất, huyện Vĩnh Thạnh sẽ cố gắng đảm bảo nguồn vốn đối ứng thực hiện Đề án, hoàn thiện cơ sở vật chất cho trường học trên địa bàn để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.
● Ông PHẠM MINH CHẤN, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh:
Tiếp tục quan tâm cơ sở vật chất tổ chức hệ bán trú
Nghị quyết sẽ giúp các địa phương, trong đó có huyện miền núi như Vân Canh sớm hoàn thiện về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ở góc độ là người công tác trong ngành GD&ĐT đã nhiều năm, cũng là lãnh đạo ngành tại huyện, tôi rất mong tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất của các bậc học để đảm bảo yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, thực hiện học 2 buổi/ngày ở bậc mầm non và tiểu học.
Bên cạnh đầu tư, thay thế bàn ghế, phòng học, bổ sung các phòng bộ môn, phòng chức năng, phòng hiệu bộ, tôi rất mong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh đầu tư cho nhà bếp, nhà ăn và các thiết bị nuôi bán trú để đảm bảo “phủ kín” việc tổ chức nuôi và dạy tập trung ở bậc học mầm non, tổ chức hệ bán trú ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện Vân Canh, cũng như các địa phương khác trong tỉnh.
AN PHƯƠNG (Ghi)
NGUYỄN MUỘI