Vui hội trăng rằm
Sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, từ đầu tháng 9 đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh tích cực, hào hứng tổ chức vui tết Trung thu cho thiếu nhi trên địa bàn và tặng quà cho những em có hoàn cảnh đặc biệt, con hộ nghèo, cận nghèo.
Trăng sáng khắp nơi
Chương trình Vui hội trăng rằm do ngành LĐ-TB&XH phối hợp với đoàn thanh niên các cấp cùng các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức ở các huyện, thị xã, thành phố từ đầu tháng 9.2022 đến nay thu hút đông đảo trẻ em tham gia đầy hào hứng. Theo kịch bản chung, chương trình này phải đảm bảo các hoạt động như: Trò chơi hoạt náo, múa lân, văn nghệ, hoạt cảnh đêm hội trăng rằm, phá cỗ và tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình Đêm hội trăng rằm do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện Vân Canh tổ chức tối 8.9. Ảnh: N.T
Tối 9.9, nhiều địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức chương trình đầy ý nghĩa này dành cho các em. Tại xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) đã diễn ra chương trình quy mô cấp tỉnh do Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn, UBND huyện Tuy Phước phối hợp tổ chức. Theo chị Phạm Thị Thanh Huê, Phó Bí thư Đoàn xã Phước Hưng, sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19, không khí chuẩn bị đón tết Trung thu ở đây đã diễn ra hào hứng từ hơn một tuần trước.
Một nét rất riêng của chương trình năm nay là Hội thi thiết kế lồng đèn trung thu mang chủ đề “Thông điệp thiếu nhi gửi đến Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027”. Chị Huỳnh Thị Thanh Nguyệt - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, cho biết, 9 chiếc lồng đèn dự thi của học sinh Trường THCS Phước Hưng đều có sự chăm chút, đầu tư, sáng tạo, có nét độc đáo riêng, đảm bảo tính kỹ thuật, mỹ thuật và chiếu sáng.
Tại TP Quy Nhơn, tối ngày 9.9, chương trình Vui hội trăng rằm tại Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn khởi động bằng tiếng trống lân rộn rã đã lập tức thu hút rất đông trẻ em của thành phố và du khách trẻ. Thích thú vỗ tay với từng màn biểu diễn, nhiều em dạn dĩ chạy đến nắm đuôi lân, số khác nhún nhảy đầy phấn khích theo nhịp trống hội. Năm nay, UBND thành phố tặng 400 suất quà tết Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 250 nghìn đồng.
“Với tinh thần tất cả vì sự vui vẻ, an toàn của trẻ, UBND thành phố đã bố trí phương tiện và cử cán bộ đưa đón, quản lý số trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến chương trình nhận quà. Riêng các em ở 9 phường, xã ngoại thành, chúng tôi đưa quà về địa phương, yêu cầu tổ chức chương trình bài bản tương tự cho thiếu nhi trên địa bàn và trao quà cho các em khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Phương Nam cho biết.
Dưới ánh trăng tròn tháng Tám, 180 trẻ mồ côi ở Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn rước đèn, phá cỗ trong không khí vui tươi, ấm áp tình thân gia đình. Đội lân gồm các bạn trẻ ở Lưu xá Thanh niên của Làng liên tục nhận được những tràng vỗ tay từ đàn em. Rồi Hội thi trang trí mâm ngũ quả, 8 tiết mục trong Hội thi Tiếng hát làng em - thể lệ vẫn như mọi năm nhưng lại có phần sôi động, hào hứng hơn trước đây.
“Năm nay, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố và đặc biệt lần đầu có lãnh đạo huyện Vân Canh đến thăm, tặng quà cho con trẻ của Làng. Các em nhận thêm sự quan tâm, có lẽ thấy vui hơn, ấm áp hơn”, ông Nguyễn Xuân Cương, Giám đốc Làng trẻ em SOS Quy Nhơn, nhìn nhận.
Phá cỗ Trung thu tại chương trình Đêm hội trăng rằm, do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện Vân Canh tổ chức tối 8.9. Ảnh: N.T
Để mọi trẻ khó khăn đều vui đón Trung thu
Sáng 8.9, trẻ em ở các cơ sở trợ giúp xã hội trong tỉnh đã vui mừng chào đón Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đến thăm và tặng quà.
“Có một điều khá thú vị, khi được hỏi về “ước muốn của em trong đêm trăng rằm”, nhiều em đã gửi mong ước đến các bạn khó khăn hơn mình và mong điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước. Nhiều em mong thế giới và Việt Nam không còn dịch bệnh, tất cả mọi người đều mạnh khỏe, đẹp đẽ, sống sung sướng; mong các bác, các cô, các chú quan tâm nhiều hơn nữa đến những bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Em Nguyễn Bảo Trân (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) chúc các bạn đang điều trị bệnh sớm khỏe lại, sớm đến trường học tập giống như mình, “để tết Trung thu năm sau có thểnhận được nhiều quà, đi xem múa lân, gặp và chụp hình kỷ niệm với những nhân vật hoạt hình như chú Cuội, chị Hằng...”.
Những buổi chiều qua, mưa lớn ở một số vùng núi làm sạt lở không ít tuyến đường đất về các làng dân tộc thiểu số, vậy nhưng một số hội, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm vẫn hăng hái vượt dốc cao, băng đường đất sạt lở, lầy lội để về tận các làng xa xôi như làng Canh Tiến (xã Canh Liên), Canh Giao (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh), các xã miền núi Đăk Mang, Bok Tới, Ân Sơn (huyện Hoài Ân), làng K4 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh), thôn 4, thôn 5 (xã An Nghĩa, huyện An Lão)... mang lồng đèn, bánh trung thu, quần áo mới tặng các em thiếu nhi.
Dịp này, Hội Người mù tỉnh và Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã tích cực kết nối, để các em khuyết tật nghe được tiếng nhạc trung thu từ chiếc lồng đèn bằng pin, thưởng thức chiếc bánh trung thu nhiều vị, nhìn ngắm những con lân đủ màu sắc lắc lư theo tiếng trống..., cảm nhận niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống. Nhiều tổ chức chính trị - xã hội, hội, nhóm thiện nguyện chủ động đặt “ưu tiên số 1” là trẻ mồ côi trong danh sách nhận quà, góp mặt chương trình phá cỗ, văn nghệ diễn ra trên địa bàn...
Theo ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, Hội và các chi hội trực thuộc đã trao tổng cộng 925 suất quà trung thu trị giá 327,9 triệu đồng. Đặc biệt, hoạt động tặng quà cho bệnh nhi diễn ra ở hầu hết cơ sở y tế trong tỉnh với tinh thần tất cả bệnh nhi đều có quà.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, bày tỏ mong muốn, thời gian tới, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội tiếp tục thể hiện đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi trẻ em. Đặc biệt, tạo cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn và thân thiện.
NGỌC TÚ - CHƯƠNG HIẾU