Nâng cao năng lực kiểm soát sản phẩm thủy sản từ cảng cá
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), so với mặt bằng chung cả nước, các cảng cá ở Bình Định thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát IUU từ hoạt động bốc dỡ thủy sản. Dù vậy, một số hạn chế trong công tác quản lý, hạ tầng chưa đáp ứng đủ điều kiện, thói quen của ngư dân… tác động không nhỏ tới việc triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn vi phạm IUU.
Còn nhiều khó khăn
Kiểm soát sản phẩm thủy sản bốc dỡ tại cảng là một trong những giải pháp nhằm vừa truy xuất, chứng thực nguồn sản phẩm thủy sản, vừa ngăn chặn việc khai thác thủy sản vi phạm IUU. Đây là quy định của Luật Thủy sản 2017.
Theo đó, các cảng cá phải kiểm tra sản phẩm thủy sản đánh bắt ngay khi tàu vào cảng, từ chối việc bốc dỡ sản phẩm, ngăn chặn các sản phẩm khai thác vi phạm pháp luật lên bờ, đồng thời chuyển thông tin tàu cá vi phạm cho ngành chức năng phối hợp xử lý. Chủ tàu cần xuất trình nhật ký khai thác (hành trình trên biển, tọa độ khai thác, các thông tin liên quan…) để chứng minh hoạt động khai thác trên biển của mình là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc ghi chép nhật ký trên biển của ngư dân vẫn chưa đầy đủ, khiến các cảng cá tiếp nhận và chứng thực sản phẩm rất khó khăn. Cùng với đó những bất cập về hạ tầng kỹ thuật, nhân sự... khiến công tác kiểm soát sản phẩm thủy sản bốc dỡ tại cảng cá gặp nhiều trở ngại.
Ngư dân Bình Định bốc dỡ sản phẩm tại cảng cá Tam Quan. Ảnh: THU DỊU
Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn), cách làm thủ công tại cảng cá như hiện nay tạo ra nhiều khó khăn trong vấn đề chứng thực. Bình quân mỗi ngày cảng cá tiếp nhận 50 - 70 tàu cập bến, mỗi tàu khai thác từ 10 - 15 mẻ, nhiều ngư dân ghi sai tọa độ, sản lượng, phân loại, ngày giờ… nên nhân viên kiểm tra phải mất nhiều thời gian đối chiếu thông tin, rà soát mới có thể xác thực nguồn gốc sản phẩm. “Nếu muốn minh bạch và đầy đủ, tiết kiệm thời gian, đạt hiệu quả cao trong xác thực, chứng nhận thì không chỉ cảng cá áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý mà giải pháp tốt nhất là ngư dân cũng phải ghi nhật ký điện tử”, ông Khải nói.
Nâng cao năng lực cho các cảng cá
Việc kiểm soát sản phẩm và xác thực nguồn gốc nhằm ngăn chặn sản phẩm vi phạm IUU ngay từ đầu nhằm tránh rủi ro có thể gây hậu quả nghiêm trọng một khi để sót lọt sản phẩm vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu quản lý tàu cá, kiểm soát sản phẩm thủy sản cũng làm nảy sinh tình trạng “cảng dễ, cảng khó”.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định - phụ trách cảng cá Quy Nhơn, cho hay: Nhiều chủ tàu than phiền cùng một thủ tục nhưng một số cảng khác dễ dàng hơn các cảng tại Bình Định; họ cho là chúng tôi quá máy móc, khắt khe, thậm chí là làm khó ngư dân. Thực tế chúng tôi không hề gây khó khăn với bà con ngư dân, mà đang từng bước áp dụng quy trình quản lý mới, phù hợp các yêu cầu của thị trường.
Cuối tháng 8.2022, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức tập huấn chuyên đề về công tác kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác, bốc dỡ tại các cảng cá, phòng chống khai thác vi phạm IUU tại TP Quy Nhơn. Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nhận xét: So với mặt bằng chung cả nước, các cảng cá ở Bình Định thực hiện tốt khâu kiểm soát sản phẩm thủy sản từ khâu bốc dỡ. Những bất cập từ thực tiễn qua chia sẻ của đơn vị quản lý cảng cá tại Bình Định, Vụ Khai thác thủy sản ghi nhận để tổng hợp và có những đề xuất cụ thể lên cấp cao hơn nhằm sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề, nâng cao năng lực và hiệu quả cho các đơn vị cảng cá tại Bình Định. “Chúng ta đã cam kết với thế giới là mọi sản phẩm thủy sản khai thác ở Việt Nam đều theo quy định. Thực hiện tốt cam kết ấy chúng ta mới nâng cao thương hiệu thủy sản Việt Nam, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn cầu”, ông Hải khẳng định.
THU DỊU