Xét xử các vụ án giao thông:
Còn lạm dụng các tình tiết giảm nhẹ
Có một điều dễ nhận thấy, khi hiến kế các giải pháp phòng ngừa TNGT, nhiều người chỉ chú ý đến các giải pháp về “tăng cường ý thức” mà ít đề cập đến việc gắn công tác giáo dục với việc nghiêm trị để đảm bảo tính răn đe. Không những vậy, thời gian qua, việc xét xử một số vụ án TNGT ở địa phương còn chưa tốt, đã bị TAND tỉnh và Viện KSND tỉnh kháng nghị tăng hình phạt hoặc không cho hưởng án treo, gây hoài nghi trong dư luận.
Theo Điều 202 Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm (khung 1); phạt tù từ 3 năm đến 10 năm (khung 2); từ 7 năm đến 15 năm (khung 3); phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (khung 4).
Thoạt nhìn, có thể xem những quy phạm này khá chặt chẽ, đảm bảo tính nghiêm khắc, nhưng kết quả xét xử nhiều vụ án lại cho thấy, có quá nhiều “lỗ hổng” trong các quy định nói trên dẫn đến việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, dễ dãi, thậm chí là lạm dụng các tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung hình phạt đã định hoặc xét cho hưởng án treo.
Điều 46 Bộ luật Hình sự về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ngoài 18 căn cứ để xem là tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1, thì tại khoản 2 còn quy định “Khi quyết định hình phạt tòa còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ”. Do vậy, không quá khó để tìm ra ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ làm căn cứ để xử dưới khung hình phạt hoặc xét cho bị cáo nói chung, người vi phạm các quy định về ATGT vận tải nói riêng được hưởng án treo.
Điều dễ nhận thấy trong hầu hết các vụ án TNGT, tòa án thường có “ba - rem” chung khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ, như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả thiệt hại, bị hại bãi nại hoặc “bị cáo đang nuôi con nhỏ”, “là lao động chính trong gia đình” để xử dưới khung quy định hoặc xét cho hưởng án treo.
Thực ra, khác với loại án khác, người gây ra TNGT thường không chối cãi tội gây ra mà hầu hết đều “thành khẩn khai báo”, và đi kèm theo “ăn năn, hối cải” đối với hậu quả đã gây ra cho người bị hại. Riêng tình tiết giảm nhẹ “bồi thường thiệt hại” thì hầu như người gây ra TNGT và chủ phương tiện bao giờ cũng sẵn sàng chi tiền để nài nỉ, van xin gia đình bị hại viết giấy bãi nại; sau đó là lập chứng từ yêu cầu cơ quan bảo hiểm chi trả.
Và để xét xử dưới khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo, tòa thường đánh giá “tai nạn do bị cáo gây ra có một phần lỗi từ phía bị hại”, hoặc “do lỗi hỗn hợp”, nhưng thật ra, đối với án TNGT không đến nỗi phải khó lắm để tìm ra một số ít lỗi của bị hại. Cá biệt, có trường hợp tòa án còn xem “phạm tội do lỗi vô ý” cũng là tình tiết giảm nhẹ để xét cho hưởng án treo.
Vấn đề đặt ra là, trong khi chờ đợi sửa đổi các chế định liên quan, các cơ quan tố tụng cần thể hiện quan điểm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm hoặc hạn chế việc cho hưởng án treo đối với tội vi phạm quy định ATGT, tránh tình trạng người dân hoài nghi về sự chính trực của người cầm cân nảy mực.
. HUỲNH HOA