190 năm danh xưng huyện Phù Cát, Phù Mỹ
Lần theo nguồn sử liệu, huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ vốn có lịch sử rất lâu đời. Trước đây, hai huyện này thuộc đất Chiêm Thành; sau khi sáp nhập vào Đại Việt, huyện Phù Cát và Phù Mỹ có chung tên gọi là huyện Phù Ly. Qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn, ta có thể hiểu rõ ràng hơn về lịch sử liên quan đến hai địa phương này.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 6 ghi ngắn gọn về lịch sử huyện Phù Cát như sau: “Huyện Phù Cát: ở phía Nam của phủ. Đông Tây cách nhau 59 dặm; Nam Bắc cách nhau 30 dặm; phía Đông giáp biển; phía Tây giáp Sơn man; phía Nam giáp giới huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn; phía Bắc giáp giới huyện Phù Mỹ. Nguyên là đất huyện Phù Ly. Năm Minh Mạng thứ 7, thuộc phủ Quy Nhơn kiêm lý. Năm Minh Mạng thứ 13, chia huyện Phù Ly, đặt tên như hiện nay nhưng vẫn do phủ kiêm lý như cũ. Năm Tự Đức thứ 18 đổi do phủ thống hạt, đặt tri huyện. Nay lãnh 4 tổng, 127 xã thôn ấp”.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 6 ghi về lịch sử 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Còn với lịch sử huyện Phù Mỹ, cũng trên mặt khắc 6 của Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9 ghi rằng: “Huyện Phù Mỹ: Ở phía Nam của phủ. Đông Tây cách nhau 58 dặm; Nam Bắc cách nhau 57 dặm; phía Đông giáp biển; phía Tây giáp địa giới hai huyện Hoài Nhơn và Phù Cát; phía Nam giáp giới huyện Phù Cát; phía Bắc giáp giới huyện Bồng Sơn. Nguyên là đất Phù Ly. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), trích đặt huyện này. Năm Tự Đức thứ 5 do phủ kiêm nhiếp; năm thứ 18, lại đặt như cũ. Nay lãnh 4 tổng, 123 xã thôn”.
Như vậy, theo ghi chép của Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí thì vào năm Nhâm Thìn (1832), tên huyện Phù Ly bị bãi bỏ và huyện này chính thức được chia làm hai huyện là Phù Cát và Phù Mỹ, lấy dòng sông La Tinh làm ranh giới. Sự kiện vua Minh Mạng cho đổi tên huyện Phù Cát và Phù Mỹ không chỉ được khắc ghi trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí mà Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 85, mặt khắc 12, 13 cũng ghi như sau: “Tỉnh Bình Định: thống trị 2 phủ gồm An Nhân, Hoài Nhân và 5 huyện Tuy Viễn, Tuy Phúc, Phù Cát, Phù Mỹ, Bồng Sơn. Nguyên huyện Tuy Viễn chia làm 2 huyện Tuy Viễn, Tuy Phúc; nguyên là huyện Phù Ly chia làm 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ... Ba huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Bồng Sơn, vẫn để là phủ Hoài Nhơn”. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 36, mặt khắc 16 cũng ghi về việc này như sau: “Năm thứ 13 (1832), đổi trấn làm tỉnh, đặt thêm phủ An Nhơn, đem huyện Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhơn chia làm 2 huyện Tuy Viễn, Tuy Phước phụ thuộc vào. Lại chia huyện Phù Ly làm 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ thuộc về phủ Hoài Nhơn”.
Như vậy, sự kiện vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh Bình Định, 2 huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ là sự kiện quan trọng được cả 3 bộ chính sử, địa chí lớn nhất của triều Nguyễn ghi chép lại chi tiết, đầy đủ, toàn diện và sáng tỏ. Các bộ sách này đều thống nhất cho rằng dấu mốc năm Nhâm Thìn (1832) là thời gian xuất hiện danh xưng huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ. Đây được xem là sự kiện trọng đại, phản ánh nấc thang phát triển không ngừng của huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ.
Có thể nói, trong suốt 190 năm qua kể từ năm Nhâm Thìn (1832) đến nay, tên gọi “huyện Phù Cát” và “huyện Phù Mỹ” vẫn luôn được sử dụng ổn định và hiện hữu trên bản đồ Tổ quốc. Người dân Phù Cát và Phù Mỹ, mỗi lần nhắc đến danh xưng này đều dâng trào niềm tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử đã được cha ông dày công khai phá và hun đúc từ nghìn đời qua.
CAO THỊ QUANG