Sách soi đường cho tuổi trẻ, là bạn của tuổi già
Ở tuổi 88, ông Trần Văn Nhẫn - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khóa IX, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, vẫn giữ được sự minh mẫn, say mê đọc sách, báo. Với ông, việc đọc từ yêu cầu của học tập, công tác đã từng bước chuyển hóa thành sự lựa chọn chủ động, một thói quen an lành, đầy hứng thú. Sách in dấu trên suốt chặng dài sống, làm việc, cống hiến của ông.
“Từ sách, tôi tìm thấy lý tưởng cách mạng…”
Sinh ra trong thời kỳ đất nước đầy khó khăn, mất cha mẹ từ sớm, ông Trần Văn Nhẫn có cơ may tìm thấy “người dẫn đường”, lý tưởng cách mạng từ việc học, đọc những trang sách quý.
● Ông tìm thấy niềm đam mê với việc đọc từ thời gian nào?
- Tôi đã tìm thấy niềm đam mê với việc đọc từ lúc còn trẻ, khi đang học cấp II ở Trường Quốc học Quy Nhơn. Lúc bấy giờ, việc đọc sách nhằm phục vụ cho việc học tập các môn khoa học tự nhiên và xã hội ở nhà trường.
Khi đi thoát ly tham gia cách mạng, phục vụ Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 tại chiến trường Tây Nguyên, sau đó tập kết ra miền Bắc, công tác ở Đoàn TNXP Trung ương, Tổng đội công trình của Tổng cục Bưu điện, quyển sách đầu tiên mà tôi và bạn bè thích thú chuyền tay nhau đọc là “Vượt Côn Đảo” của nhà thơ Phùng Quán. Thời kỳ học ở Trường ĐH Kỹ thuật Thông tin liên lạc, tham gia công tác ở Đoàn Thanh niên Cứu quốc, tôi say mê đọc “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky.
● Quyển sách nào đã góp phần làm nên những dấu ấn đặc biệt trong sự trưởng thành của ông?
- Đó chính là quyển “Thép đã tôi thế đấy”!
Thế hệ chúng tôi thán phục nhân vật Pavel Corsaghin trong tiểu thuyết. Câu chuyện về người thanh niên ở Liên Xô xa xôi Pavel Corsaghin đã truyền lửa cho tôi, bồi dưỡng cho tôi lý tưởng sống tốt đẹp: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”.
Ông Trần Văn Nhẫn bên tủ sách tập hợp các loại sách về lịch sử, văn học, thơ ca… Ảnh: N.M
Từ đó, giúp tôi củng cố và khẳng định con đường đã chọn, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Suốt những năm học ở trường, sau khi ra công tác ở Sở Bưu điện TP Hà Nội, nhờ quá trình phấn đấu, tôi được kết nạp vào Đảng đúng ngày 3.2.1960, ngày kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng.
Bạn đồng hành quý giá
Từ khi còn trẻ đến về già, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nhẫn luôn đồng hành cùng sách. Việc đọc giúp ông rèn luyện sức khỏe, trí nhớ, tiếp tục có những đóng góp tâm huyết cho tỉnh nhà.
● Đọc là tự học, là cách học tốt nhất. Ông nghĩ gì về quan điểm này?
- Đúng vậy. Đọc sách là tự học, là cách học tốt nhất. Đọc sách không những chỉ bồi dưỡng cho mình kiến thức, kỹ năng sống, mà còn có phương pháp đối nhân xử thế, rèn luyện nhân cách; cũng là một phương sách học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. Vả lại, đọc sách cũng là loại hình lao động trí óc, giải trí, giúp con người thanh thản, an lạc, tự tin.
Lúc còn trẻ, còn học ở trường, đọc sách phục vụ cho việc học tập. Đến khi trưởng thành, tham gia công tác cách mạng, đọc sách giúp mình xử lý công việc hằng ngày và thực hiện nhiệm vụ được giao, như đọc và nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách của Nhà nước.
Khi tuổi đã cao, về hưu, thì đọc sách là phương pháp dưỡng sinh nhằm rèn luyện, duy trì sức khỏe, trí nhớ, phòng ngừa lão hóa về thần kinh. “Đọc sách đối với trí tuệ cũng như thể dục đối với thân thể con người”, “Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ”.
Với tôi, đọc sách đã góp phần bổ sung thêm kiến thức, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng, nhân cách, mở rộng tầm nhìn, từ đó giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
● Ông có thể chia sẻ về “những người bạn đặc biệt” của mình khi về hưu?
- Đã ngót 20 năm từ ngày tôi về hưu. Ngoài việc vận động thể lực hằng ngày, tôi dành thời gian đọc báo, đọc sách về y học liên quan đến một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi như bệnh tim mạch, nội tiết, thần kinh, cơ xương khớp… giúp tôi phòng và trị bệnh, kéo dài tuổi thọ.
Ngoài ra, tôi còn đọc thêm các loại sách về lịch sử, văn học, thơ ca… để giải trí, hiểu biết thêm về lịch sử đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Ví dụ như: Tuyển tập Hồ Chí Minh; “Búp sen xanh”, “Bác về” (nhà báo Sơn Tùng); Lịch sử các triều đại nhà Nguyễn; Triều đại nhà Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ; thơ “Nhật ký trong tù” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), các tập thơ của cố nhà thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh… Từ đó, giúp tôi tăng thêm lòng tự hào dân tộc, nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với quê hương đất nước.
● Ông là một trong những nguyên lãnh đạo có nhiều đóng góp, đề xuất sâu sắc, tâm huyết cho các lãnh đạo tỉnh đương nhiệm mỗi khi được lấy ý kiến. Việc đọc, theo dõi, cập nhật thông tin thời sự phải chăng đã góp sức cho những ý kiến xác đáng, tâm huyết ấy?
- Đúng vậy. Tuy đã về hưu, nhưng với niềm đam mê từ thời trẻ, tôi vẫn tiếp tục đọc sách, báo, theo dõi thời sự trong và ngoài nước, nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trước hết là để làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên.
Ông Trần Văn Nhẫn tham gia góp ý tại Hội nghị lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh về quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tỉnh ủy tổ chức vào tháng 8.2022. Ảnh: TIẾN SỸ
Tôi cũng dành thời gian tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức nhằm đóng góp, đề xuất những ý kiến tâm huyết, xác đáng, đầy trách nhiệm với các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm, ngõ hầu góp một phần nhỏ của mình thực hiện các Nghị quyết của Đảng, xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, phồn vinh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, thực hiện lời dạy của các bậc tiền bối: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
“Muốn chăm học phải chăm đọc”
Sự phát triển của internet, sự hối hả của cuộc sống hiện đại đang dần thay đổi khái niệm về việc đọc. Là một người đọc truyền thống, ông Nhẫn đã có những lời khuyên quý giá cho người trẻ về việc đọc.
● Ông có lời khuyên nào dành cho người trẻ về việc đọc?
- Bác Hồ có nói: “Một năm khởi đầu bằng mùa xuân/ Đời người khởi đầu bằng tuổi trẻ”. Nguyễn Trãi khi xưa cũng đã dạy: “Nên thợ, nên thầy nhờ chăm học/ No ăn, no mặc bởi chăm làm”. Thực hiện lời dạy của các vị tiền bối, tuổi trẻ là thời đẹp nhất, sung mãn nhất về thể lực, minh mẫn nhất về trí tuệ, việc chăm học chăm làm rất quan trọng.
Trước hết, muốn chăm học phải chăm đọc. Chính nhờ có đọc và học mới nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách con người, học tập kinh nghiệm, gương sáng của các thế hệ đi trước.
Đối với thế hệ trẻ, tôi có lời khuyên: Các cháu phải ra sức chăm học, chăm đọc, chăm làm, rèn đức, luyện tài theo tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ, xây dựng cho mình một nghị lực vượt khó, lao động sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ hoài bão; làm bất kỳ việc gì, đi bất cứ nơi nào mà Tổ quốc cần, hy sinh không sờn, khó khăn không nản, nuôi dưỡng ý chí lập thân lập nghiệp, phải đi trên chính đôi chân của mình, nói và làm bằng chính con tim, khối óc của mình.
Đồng thời, rèn luyện sự kỷ luật, trung thực, tự tin, khiêm tốn, đối nhân xử thế bằng cái tâm, kế thừa và phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, có những người đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc, vì độc lập của Tổ quốc thân yêu. Trả lời bằng được mấy vần thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: “Có những đêm mắt chập chờn mơ ước/ Lại bâng khuâng… Tự hỏi mình sau trước/ Cho cuộc đời, cho Tổ quốc thân yêu/ Ta đã làm gì và được bao nhiêu?”.
● Xin cảm ơn và chúc ông thật nhiều sức khỏe!
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)