Trăng trôi trong nhớ
●Tản văn của TRẦN BĂNG KHUÊ
Những cái sân đầy trăng chiếm cứ mọi ngóc ngách của thế giới nhỏ trong dòng ký ức lớn. Tự hỏi, tự thơ trẻ thắc mắc rằng: Nếu không có sân, trăng sẽ nghỉ ngơi ở đâu? Vui chơi ở đâu? Hay là trăng đậu trên những cành cây thưa lá trong rừng, xuyên chiếu thứ ánh sáng dịu dàng ấy xuống nhân gian trong đêm tối? Hoặc có khi trăng đậu trên những chiếc tổ chim bằng rơm lấp ló sau vòm xanh rậm lá nào đó? Và, rồi trăng hạ xuống những nóc nhà như một kẻ phiêu bạt lang thang tiêu dao khoáng đạt.
Sân nhà là một hình dung xưa cũ, chúng níu trăng ở lại với giấc mơ tuổi thơ khi đường xá còn chưa được láng nhựa, cũng làm gì có mấy cột đèn sáng choang choáng váng, từ đầu xóm tới cuối xóm từ cái thời mà trẻ con chạy nhảy dưới đêm trăng đẫm ướt mồ hôi trong những giấc mơ ngọt lành hồn nhiên. Sân nhà là một khoảng mênh mông no mắt phơi khô những mùa lúa, những mùa cà phê, tiêu, bắp, đậu buổi ngày nắng lên; phơi khô cả những giọt buồn vui của mẹ và chỉ để chứa trăng cho những ký ức trẻ thơ mỗi đêm rằm trong câu hát “chú cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN THÁI HÙNG
Trẻ con thấy trăng như thấy nguyên một thế giới cổ tích hiện ra sáng lấp lánh. Nơi đó, trăng đuổi theo từng bước chân trốn tìm cùng các ngóc ngách, trăng soi vào mắt trẻ thơ cười. Trăng có khi cũng trở thành kẻ chỉ điểm những nơi ẩn nấp. Hôm nào đó, không chơi năm mười, trăng nằm sóng xoãi trên sân, nghiêng mình liếc qua thềm nhà mùa hè mát rượi giấc ngủ chập chờn của trẻ.
Lớn lên thêm một chút, rồi một chút nữa, trẻ thơ không còn là trẻ thơ, tuổi mười lăm, mười sáu, con gái như trăng tròn đầy, e ấp. Hết chạy nhảy trong sân, hết trốn tìm với đám trẻ con như xưa. Trăng hiện hữu như là một giấc chiêm hồ về sông, về biển. Trăng in bóng và loang đều trên mặt nước, kể những câu chuyện tình yêu của chàng trai trẻ, cô thiếu nữ vừa mới dậy thì.
Tuổi thơ đi qua. Mặt phẳng của trăng đã di dời khỏi những góc sân xưa, cổng gỗ vòm đội hoa giấy tim tím đỏ trên đầu. Tuổi trẻ phiêu bạt. Mặt phẳng của trăng là đường dài xe lăn bánh trong đêm khuya, theo những tháng ngày xuôi ngược rời đi - trở về. Và đôi khi mặt phẳng của trăng còn là rừng cây thăm thẳm lặng lẽ một nỗi cô độc đẹp tuyệt vời. Mặt phẳng của trăng cũng là những cánh chim bay vội dưới bầu trời khi nắng tắt. Tuổi trẻ mộng mơ, trải nghiệm, tuổi trẻ vừa đủ biết đến một vài cơn say đong tình yêu bằng nước mắt, mặt phẳng của trăng là ánh sáng lướt trên sông nước, đuổi theo mái chèo đưa đò qua từng nhịp cầu bắc ngang hai bờ thương nhớ.
Thêm vài ba tuổi đậu trên mái tóc. Bỗng dưng nhìn thấy màu trăng lấp lánh.
Trẻ con không còn là trẻ con nữa. Mặt phẳng của trăng bất giác có khi lặng lẽ lướt đi trên khung cửa sổ ở một căn phòng tối nào đó dăm ba phút ngắn ngủi, rồi nhanh chóng ẩn nấp trong những đám mây màu xám. Người lớn của bây giờ, nhìn lên bầu trời đêm, hồi tưởng về những mặt phẳng của trăng trên sân nhà ngày xưa, trên con sông tự tình, trên bãi cát dài nằm nghe sóng vỗ, trên lòng biển mặn miền Trung quê mình, lòng quặn thắt vì nhớ.
Tuổi thơ đi qua. Tuổi thơ ở lại trong từng lớp ký ức xếp chồng lên nhau. Lắng nghe tiếng mưa bất chợt một đêm mùa thu, bất giác thèm nhìn thấy một mặt phẳng của vầng trăng lạnh tan trên bầu trời lạ nào đó. Tuổi trẻ cũng đi qua, và cũng ở lại cùng những tháng năm xưa vội vã hát ru hơn một bản tình ca lấp lánh như giấc mơ tròn đầy. Những mặt phẳng của trăng chơi vơi trong kiếp nhân sinh chìm nổi. Người lớn nhiều bận không còn dám mơ mộng với trăng, hoặc yêu trăng say mê như những tháng ngày ấu thơ nữa. Trăng bây giờ là những câu hỏi chưa có câu trả lời. Trăng bây giờ là cả một hoài niệm triết lý và đầy tự vấn vũ trụ lớn lao: “Không có đất, trời ở đâu, trăng ở đâu?”.