Không chủ quan với bệnh cúm mùa
Tuy bệnh cúm mùa tại Bình Ðịnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng ở một số tỉnh phía Bắc, bệnh cúm mùa diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch chồng dịch. Hơn nữa ở tỉnh ta, thời tiết đang lúc giao mùa, cơ hội để bệnh cúm gia tăng rất cao. Vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là.
Theo ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Tại Bình Định, trong 8 tháng đầu năm 2022, đã ghi nhận 492 trường hợp bệnh cúm trên hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm. Số trường hợp bệnh thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (ghi nhận 636 trường hợp bệnh). Chưa ghi nhận các trường hợp bệnh cúm nguy hiểm như Cúm A(H5N1), Cúm A(H7N9)…
Tiêm vắc xin phòng cúm mùa tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Đ. THẢO
Tại các cơ sở y tế, bệnh nhân mắc cúm mùa đến khám vẫn ở mức ổn định. Dù vậy, ngành Y tế vẫn tăng cường điều tra, giám sát ngăn chặn, không để dịch bệnh bùng phát. Tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cúm như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho… không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để được thăm bác sĩ khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh các trường hợp diễn tiến nặng gây nên biến chứng nguy hiểm.
Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Chị Trần Thị Quyên, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, có con đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học Lê Lợi, chia sẻ: Theo dõi thông tin thấy đây là thời điểm bệnh cúm mùa bắt đầu phát triển, các cháu trở lại trường học nên nguy cơ lây lan bệnh sẽ tăng. Do vậy, tôi đã cho con đi tiêm vắc xin phòng bệnh để yên tâm hơn.
Bác sĩ Huỳnh Vĩnh Thu, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tư vấn: Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Cùng với đó, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực nâng cao sức khỏe. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đồng thời sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng, chống cúm.
ĐỖ THẢO