Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên: Sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ
Với nhiều nhiệm vụ cụ thể, phù hợp thực tiễn, Kế hoạch số 07-KH/TW thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả.
Hướng đến hiệu quả thực chất
Ngày 17.8.2022, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 07-KH/TW thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Hội nghị cán bộ toàn quốc nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: M.LÂM
Kế hoạch đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị và hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của việc củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Yêu cầu quan trọng đặt ra là phải xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; tập trung củng cố xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Kế hoạch đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể với thời hạn thực hiện rõ ràng. Trong đó, giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Ban Bí thư hướng dẫn việc thí điểm sinh hoạt theo tổ đảng đối với chi bộ có đông đảng viên, sinh hoạt trực tuyến đối với đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt (hoàn thành trong năm 2022); giao một số quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở ở các đảng bộ cơ sở cơ quan, đơn vị sự nghiệp, DN có quy mô lớn, quan trọng, có số lượng đảng viên đông (hoàn thành trong năm 2023).
Đồng thời, chủ trì, phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách đối với cán bộ làm công tác văn phòng cấp ủy cơ sở; chế độ phụ cấp đối với cán bộ đảng, đoàn thể, tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở (hoàn thành trong năm 2023)…
Phù hợp, sát thực tiễn
Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, nhiệm vụ trọng tâm là chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn, sắp xếp mô hình TCCSĐ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; thành lập đảng bộ cơ sở, các tổ chức đoàn thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; phát triển TCCSĐ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, địa bàn có đông đồng bào tôn giáo, khu đô thị mới; DN nhà nước sau cổ phần hóa; khu vực ngoài nhà nước, nhất là trong DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Kịp thời phát hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình TCCSĐ phát huy hiệu quả tích cực, nhất là những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Cùng với đó là chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt). Tổng kết mô hình TCCSĐ, đoàn thể trong các loại hình kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác, kinh tế trang trại…
Mặt khác, cần tăng cường chỉ đạo công tác phát triển đảng, quản lý đảng viên, có giải pháp phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên là sinh viên tốt nghiệp, bộ đội xuất ngũ, đảng viên đi làm ăn xa nơi đăng ký thường trú tham gia sinh hoạt đảng. Song, cũng cần kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng tùy tiện, buông lỏng quản lý đảng viên, việc sinh hoạt đảng đối với đảng viên nghỉ chế độ hưu trí, việc nộp hồ sơ đảng viên khi chuyển sinh hoạt đảng, việc miễn sinh hoạt đảng.
Theo Bí thư Huyện ủy Tây Sơn Lê Bình Thanh, các nhiệm vụ cụ thể đặt ra từ Kế hoạch số 07-KH/TW có ý nghĩa rất quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với công tác xây dựng đảng nói chung, việc củng cố TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên nói riêng.
“Các nhiệm vụ đề ra rất sát với tình hình thực tiễn của công tác xây dựng đảng ở cơ sở. Trong đó, đáng lưu ý nhất là khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển đảng, quản lý đảng viên; hạn chế tình trạng không chuyển sinh hoạt đảng, bỏ sinh hoạt đối với đối tượng bộ đội xuất ngũ, đảng viên đi làm ăn xa…”, bà Thanh nhìn nhận.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quy Nhơn Đặng Mạnh Cường đồng tình và đặc biệt tâm đắc với một số điểm mới đặt ra từ Kế hoạch số 07-KH/TW. Đó là việc thí điểm sinh hoạt trực tuyến đối với đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt.
“Sinh hoạt trực tuyến là một giải pháp đặc thù, đáp ứng kịp thời đòi hỏi từ thực tiễn ở cơ sở đối với một số trường hợp đặc biệt, nhất là trong trường hợp dịch Covid-19 như thời gian vừa qua; đảm bảo Điều lệ Đảng được thực thi nghiêm túc ở mọi hoàn cảnh”, ông Cường phân tích.
MAI LÂM