Thu nhập khá nhờ nuôi ốc bươu đen
Với mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm kết hợp ốc giống trong bể lót bạt, mỗi tháng anh Võ Hổ (SN 1990, ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) thu lãi hơn 10 triệu đồng.
Năm 2018, anh Hổ bắt đầu nuôi ếch và dùng ốc bươu vàng làm thức ăn cho ếch. Trong một lần đi bắt ốc bươu vàng ở xã Mỹ Lộc, anh Hổ phát hiện một cái ao có rất nhiều ốc bươu đen. Nảy ra ý định nuôi ốc bươu đen, anh lên mạng tìm hiểu thông tin thị trường, sức mua… thì khá yên tâm khi biết thị trường chuộng ốc bươu đen, đầu ra và giá cả khá tốt. Ngay sau đó, anh tận dụng phần đất trống sau nhà, xây nhiều bể nhỏ lót bạt và tiến hành nuôi ốc. Hiện, anh có 8 bể nuôi ốc với diện tích trung bình mỗi bể khoảng 10 m2.
Anh Hổ kiểm tra ốc bươu đen trong bể nuôi lót bạt của mình. Ảnh: GIA BẢO
Anh Hổ chia sẻ: Nuôi ốc ở bể lót bạt thì khâu xử lý nước rất quan trọng, quyết định đến kết quả của cả quá trình nuôi ốc. Nước phải được xử lý sao cho giống với nước ao, nước suối tự nhiên. Việc lót bạt giúp nhiệt độ môi trường nuôi ổn định hơn. Ốc bươu đen dễ chăm sóc, nhẹ công, vừa nuôi vừa làm được công việc khác. Thức ăn của ốc lại rất dễ tìm, có sẵn ở địa phương như: Các loại bèo, rau củ quả, lá môn, lá bí, lá mì, lá đu đủ... Sau gần 2 năm nuôi ốc, nhận thấy thời gian rỗi còn rất nhiều nên tôi còn xin đi làm tại Nhà máy điện năng lượng mặt trời Phù Mỹ.
Hiện nay, lượng ốc anh cung cấp ra thị trường ổn định, trung bình mỗi tháng xuất đi khoảng 100 kg ốc thương phẩm với giá bán từ 100 - 120 nghìn đồng/kg và 50.000 con ốc giống với giá 350 đồng/con. Cùng với khách hàng trong tỉnh, anh Hổ còn tìm được nhiều bạn hàng mới ở Quảng Ngãi, Kon Tum. Không chỉ có vậy, từ đầu năm 2022, anh còn liên kết với một số hộ ở xã Mỹ An cùng nuôi ốc bươu đen trong bể xi măng và ao tự nhiên. Cách làm hai bên cùng có lợi này được nhiều người ủng hộ và ngày càng có thêm nhiều người đặt vấn đề liên kết với anh.
GIA BẢO