Mô hình “nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn”: Hiệu quả kinh tế cao
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Phù Cát phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bình Định vừa tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình khuyến nông “Nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn” tại ao nuôi 10.000 m2 của ông Lê Kim Đông, ở xã Cát Minh.
Theo đó, năm 2022, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm DVNN huyện Phù Cát, ông Lê Kim Đông (ảnh) thả nuôi 100 nghìn con tôm sú giống (kích cỡ 3 - 5 cm/con), 1.000 con cá chua giống (kích cỡ 6 cm/con) và 2.000 con cua xanh giống (kích cỡ 1,5 cm/con). Sau 5 tháng nuôi, tôm, cua, cá sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt không xuất hiện bệnh, tỷ lệ sống cao (tôm sú 65%, cua xanh 50%, cá chua 85%), trọng lượng đều đạt yêu cầu (tôm sú 20 g/con, cua xanh 250 g/com, cá chua 500 g/con). Sản lượng ước đạt 1.975 kg (trong đó, tôm sú 1.300 kg, cua xanh 250 kg, cá chua 425 kg), ông Đông lãi khoảng 151 triệu đồng.
Tại Hội thảo, đa số đại biểu và hộ dân đều đánh giá cao hiệu quả kinh tế từ việc nuôi ghép các đối tượng khác nhau trong ao nuôi có cây ngập mặn; không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, ít rủi ro mà còn góp phần ổn định môi trường nuôi sinh thái, bền vững và an toàn dịch bệnh. Hơn nữa, đây là mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao, không sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh nên đã tạo ra được sản phẩm an toàn sinh học cho người tiêu dùng. Vì vậy, đây là cơ sở để Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện Phù Cát, cũng như tại các địa phương khác trong tỉnh nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ nuôi; từng bước hình thành một nghề nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định và bền vững.
THÀNH NGUYÊN