Hội thảo về giải pháp, hành động bảo vệ môi trường, sinh thái tự nhiên ở Việt Nam
(BĐ) - Sáng 12.9, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn), Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với ICISE, Trường ĐH Quy Nhơn khai mạc Hội thảo Ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp/hành động cần thiết.
Dự lễ khai mạc có GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam; GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp, cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: A.N
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (12 - 13.9), thu hút hơn 25 nhà khoa học và quản lý ở các trường ĐH và Viện nghiên cứu ở Việt Nam, cùng 10 nhà khoa học quốc tế tham dự. Trong thời gian diễn ra hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam sẽ trình bày và phản ánh tình trạng môi trường ở Việt Nam thông qua các báo cáo xoay quanh những vấn đề như: Chất ô nhiễm vi mô ở Việt Nam - tổng quan về sự hiện diện và khả năng gây nhiễm đến con người; dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm nông nghiệp; việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông - tình trạng, ô nhiễm và ảnh hưởng đến cá; tích tụ vi nhựa trong cá biển và khả năng gây nhiễm đến con người…
Các nhà khoa học thế giới sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của họ về vấn đề ứng phó ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người và khuyến cáo để bảo đảm phát triển bền vững thông qua nhiều báo cáo khoa học, gồm: Nghiên cứu môi trường cần thiết và cấp bách về các chất ô nhiễm mới phát sinh và đặc biệt quan tâm; nhân tố ảnh hưởng đến sự bùng phát tảo độc và mô hình chẩn đoán sự bùng phát tảo độc; hóa chất gây rối loạn nội tiết trong môi trường - dấu hiệu ảnh hưởng và khuynh hướng làm giảm thiểu ảnh hưởng; mô hình quản lý chất lượng nước, trầm tích ở Úc và New Zealand có thể áp dụng ở Việt Nam…
GS Bryan Brooks (ĐH Baylor, Mỹ) chia sẻ các nội dung thảo luận dự kiến diễn ra trong hội thảo. Ảnh: A.N
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS Trần Thanh Vân cho biết: Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là đối với vùng duyên hải. Nạn xâm nhập mặn và hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông. Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn chặn sự suy thoái môi trường sống, hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng cường các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái có hiệu quả. Từ mục đích đó, hội thảo lần này là dịp để các nhà khoa học và quản lý môi trường thảo luận về các vấn đề môi trường đang xảy ra trong thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. Qua đó, đưa ra những kiến nghị để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái trong khi vẫn bảo đảm phát triển bền vững cho Việt Nam. Đó có thể là giải pháp xây dựng tiêu chuẩn môi trường để bảo vệ các loài sinh vật trong môi trường và sức khỏe con người, huấn luyện để nâng cao hiểu biết về khoa học, ứng dụng luật môi trường có hiệu quả hơn. Triển khai một số dự án về giáo dục môi trường, nghiên cứu và đánh giá rủi ro môi trường, nhằm đáp ứng cho việc quản lý môi trường để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người trong thời kỳ phát triển kinh tế…
AN NHIÊN