Lan tỏa niềm tự hào hàng Việt
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2022 đến nay, công tác triển khai thực hiện cuộc vận động đã được các cấp, ngành trong tỉnh chú trọng, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đạt hiệu quả tích cực.
Kích cầu
Toàn tỉnh có 180 chợ, phân bổ khắp địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; cùng với đó là 8 siêu thị, 4 trung tâm thương mại, 9 điểm bán hàng Việt; hàng trăm cửa hàng tiện ích và nhiều điểm kinh doanh phân phối sản phẩm khác; tất cả đều nhiệt tình hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt phục vụ người dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa.
Với vai trò nòng cốt của cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương phổ biến, hướng dẫn các tổ chức cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức và nhân dân.
Trong tháng 9, các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP Quy Nhơn đồng loạt triển khai chương trình giảm giá hàng Việt Nam nhằm kích cầu.
- Trong ảnh: Chương trình giảm giá hàng Việt của siêu thị GO! thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Ảnh: HẢI YẾN
Chia sẻ về triển khai thực hiện Cuộc vận động, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Từ đầu năm đến nay, ngành Công Thương tỉnh đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tham gia bảo đảm tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát. Các hội chợ, phiên chợ hàng Việt được đông đảo người dân tham quan, mua sắm, góp phần đẩy mạnh thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8.2022 đạt trên 6.596 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại các địa phương như TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn, TP Quy Nhơn, các siêu thị, trung tâm thương mại tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Đặc biệt, siêu thị Co.opmart Quy Nhơn và An Nhơn áp dụng chương trình Tự hào hàng Việt, giảm giá từ 20 - 80% các mặt hàng do DN trong nước sản xuất. Siêu thị Go! áp dụng các chương trình: Giảm sâu, giảm nhiều; rút thăm trúng thưởng; đi chợ sớm. Siêu thị Winmart áp dụng khuyến mãi mỗi tuần, giảm giá cho từng nhóm sản phẩm: Thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ uống…
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Đặc biệt so với mọi năm, sản phẩm xuất xứ Bình Định đồng loạt nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã đẹp, hiện đại hơn nhưng giữ nguyên giá bán đã chinh phục được khách hàng, điển hình là các sản phẩm: Nước mắm Thái An, nụ hoa hòe DULAH, dầu phộng Công Chính; sản phẩm bún, phở khô của các cơ sở KICAFOODS, Thảo Nguyên, cô Phương… Đặc biệt, sản phẩm bánh tráng Sachi Nguyễn và bún phở khô Phương Anh liên tục nhận được nhiều đơn hàng gia công xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, Singapore…
Bà Trương Thị Xuân Hòa, CEO Công ty TNHH Thực phẩm Trương Gia, cho biết: Công ty chuẩn bị ra mắt bộ sưu tập rượu Xuân Hạ Thu Đông với hương vị: Gừng ré Đắk Lắk, cúc chi Hòa Bình, sen trắng Huế, bạc hà Bình Thuận, sâm đại hành An Giang và cà phê Đà Lạt. Rượu từ các loại nông sản kể trên được sản xuất theo công nghệ truyền thống: Lên men, ủ và chưng cất. Các sản phẩm mới này được bán rộng khắp các đại lý trong cả nước và sàn thương mại điện tử.
Điểm đáng mừng là tại các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh, công tác tuyên truyền, thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng hàng Việt đạt kết quả rất tích cực. Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Để hàng Việt ngày càng lan tỏa sâu rộng trong tiêu dùng của người dân trên địa bàn, chúng tôi cho tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị, tập huấn... Cùng với đó huyện còn cho đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Qua hệ thống đài truyền thanh thôn, xã về nội dung cuộc vận động; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng vận động, tuyên truyền tới thành viên ban chỉ đạo các thị trấn, xã và hỗ trợ vốn để các DN, cơ sở đưa hàng Việt về miền núi vào các dịp lễ, Tết; lắp đặt nhiều bảng thông tin, áp phích truyền thông về hàng Việt để bà con hiểu rõ ràng hơn.
Phiên chợ Hàng Việt về miền núi tổ chức tại huyện An Lão vào tháng 6.2022 thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm. Ảnh: HẢI YẾN
Nhiều cơ sở, DN ở huyện An Lão cũng nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm thêm khách hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, 12 sản phẩm của huyện đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, đó là: Cam xoàn, cam sành An Lão (thôn 1, xã An Toàn); bưởi da xanh An Lão (thôn Vạn Khánh, xã An Hòa); 5 sản phẩm của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (thôn 1, xã An Toàn), gồm: Dứa An Toàn, trà thảo mộc chè dây Dạ Cẩm, trà thảo mộc tiểu đường Lục Vị, cao thảo mộc Thắng Xịn, cao thảo mộc Kiện Vị; thịt bò An Lão, thịt heo đen An Lão (của DNTN Vi Viên, thôn 2, thị trấn An Lão); đồ gỗ mỹ nghệ Minh Thọ (cơ sở Lê Minh Thọ, thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa); sản phẩm đan lát của người Bana (thôn 2, xã An Nghĩa); sản phẩm đan lát của người Hre (thôn 5, xã An Vinh).
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa tiêu dùng của người dân; mặt khác, chất lượng hàng Việt dần được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu chung của người tiêu dùng, giá cả phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân...
HẢI YẾN