Nghệ thuật lân, sư, rồng ở Bình Định: Tìm hướng phát triển bền vững
Liên hoan lân, sư, rồng Đất Võ Quy Nhơn - Bình Định lần thứ I - năm 2022 đã khép lại thành công cả về chuyên môn, công tác tổ chức. Tuy nhiên, để liên hoan trở thành hoạt động thường niên, thì phong trào nghệ thuật lân, sư, rồng trong tỉnh cần có hướng đi, phát triển phù hợp.
Đến nay, phong trào múa lân, sư, rồng của Bình Định phát triển chủ yếu theo kiểu tự phát. Chưa có thống kê chính xác toàn tỉnh có bao nhiêu đoàn lân, sư, rồng nhưng xét về bề nổi hoạt động có thể thấy TP Quy Nhơn là địa phương có số lượng CLB lân, sư, rồng nhiều hơn cả, tiêu biểu như: Thiên Vương, Kỳ Hoàn, Minh Phước, Minh Tịnh, Phước Hậu…
Kỳ Hoàn là một trong vài đoàn lân, sư, rồng có thâm niên và hoạt động mạnh trong tỉnh. Anh Trần Đoàn Vinh, Chủ nhiệm đoàn nghệ thuật lân, sư, rồng Kỳ Hoàn, cho biết: Chúng tôi hoạt động đã được 23 năm. Để duy trì chất lượng biểu diễn dịch vụ, giao lưu, thi đấu, đoàn cố gắng giữ ổn định số lượng 30 thành viên nòng cốt, thường xuyên tập luyện; đồng thời đầu tư sắm, nâng cấp đạo cụ, âm thanh… Phong trào lân, sư, rồng ở tỉnh ta tuy có bước chuyển mình, nhưng chưa thật bền vững.
Liên hoan lân, sư, rồng Đất Võ Quy Nhơn - Bình Định lần thứ I - năm 2022 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ở Bình Định hiện chỉ có Tổng Hội lân, sư, rồng Quy Nhơn - thành viên gồm 3 đoàn lân, sư, rồng: Kỳ Hoàn, Thiên Vương, Minh Phước - thuộc Thành đoàn Quy Nhơn. Các đội, CLB lân, sư, rồng còn lại có quy mô nhỏ thường hoạt động theo kiểu tự phát, khá nhiều đội chỉ thiên về múa lân kiếm tiền, chưa quan tâm đến việc rèn luyện kỹ thuật biểu diễn, nhằm góp phần xây dựng, phát triển bộ môn nghệ thuật này.
Múa lân, sư, rồng là loại hình nghệ thuật dân gian được nhiều người ưa thích. Theo quan niệm của dân gian, hình ảnh của lân, sư, rồng tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng và mang đến nhiều điềm lành. Vài năm qua, phong trào lân, sư, rồng ở Quy Nhơn phát triển khá mạnh.
Với mong muốn tạo ra không khí sôi động, vui tươi cho người xem, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định và danh hiệu Quy Nhơn - Thành phố Du lịch sạch ASEAN giai đoạn 2020 - 2022, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của nhân dân, lãnh đạo thành phố quyết định tổ chức liên hoan lân, sư, rồng Đất Võ Quy Nhơn - Bình Định lần thứ I - năm 2022.
Ông Dương Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, nhìn nhận: Liên hoan để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách, thu hút rất đông người đến xem. Sau kỳ liên hoan này, thành phố sẽ duy trì kế hoạch tổ chức vào đầu tháng 8 hằng năm, theo quy mô toàn quốc, giúp các đội lân trên địa bàn thành phố nói riêng và ở Bình Định nói chung có thêm được cơ hội cọ xát, học hỏi nâng cao trình độ, thúc đẩy phong trào lân, sư, rồng phát triển, tạo cú huých để nghệ thuật lân, sư, rồng phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Thậm chí, khi đủ uy tín, giải sẽ mời các đội nước ngoài tham dự.
Để phong trào lân, sư, rồng tỉnh Bình Định có bước phát triển bền vững, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha cho rằng: Cần có những CLB lân, sư, rồng trực thuộc các trung tâm VH-TT&TT các huyện, thị xã, thành phố, hoạt động theo điều lệ được UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt. Bên cạnh đó, cần có thêm những liên hoan, giải đấu được tổ chức theo hình thức huy động xã hội hóa như TP Quy Nhơn vừa thực hiện, thu hút được nhiều đội lân mạnh ở trong và ngoài tỉnh tham gia. Với những đội lân, sư, rồng mới thành lập thì vận động họ tham gia vào CLB để sinh hoạt, nâng cao trình độ…
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Tuấn - Phó Chủ nhiệm Tổng Hội lân, sư, rồng Quy Nhơn, nêu ý kiến: Ngành Văn hóa cần có định hướng lâu dài để phát triển bộ môn này cả về phong trào bề rộng và từng bước nâng cao về chất lượng để trở thành môn thể thao quần chúng có tầm vóc của tỉnh. Trong tương lai gần, việc thành lập Liên đoàn lân, sư, rồng tỉnh Bình Định cũng cần tính đến. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, học hỏi những tinh hoa nghệ thuật trong biểu diễn giữa các đoàn lân, sư, rồng trong tỉnh cũng cần được chú trọng nhằm thúc đẩy phong trào múa lân, sư, rồng phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm giàu bản sắc để phục vụ phát triển văn hóa, du lịch.
TRỌNG LỢI