Khai mạc Hội thảo quốc tế Khoa học, đạo đức và phát triển con người
(BĐ) - Hội thảo quốc tế “Khoa học, đạo đức và phát triển con người” đã khai mạc vào chiều 13.9, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn). Hội thảo do Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp cùng Liên minh Nghị viện thế giới, Bộ KHCN, UBND tỉnh và Viện nghiên cứu phát triển Pháp chi nhánh tại Việt Nam tổ chức.
Dự lễ khai mạc, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm; Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Về phía tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Thanh Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, sở, ngành của tỉnh.
Các đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (bìa phải); Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT (bìa trái) và Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (ngồi giữa) dự khai mạc hội thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
Hội thảo chào đón sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học, chính trị, ngoại giao, dân sự… trong nước và nước ngoài tham gia. Trong đó, có GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp, ông Mokhtar Omar - Cố vấn Cao cấp cho Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới (Thụy Sĩ), Michel Spiro - Chủ tịch Hội đồng Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững…
Đông đảo các nhà khoa học, chính trị, ngoại giao, dân sự… trong nước và nước ngoài tham gia hội thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cho biết: “Đây là hội thảo có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 năm 2022, được Hội đồng chủ trì đề án Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững và UNESCO công nhận là sự kiện tầm châu lục tại Châu Á hưởng ứng Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững do Liên Hợp quốc thông qua vào tháng 12.2021 và UNESCO tổ chức lễ công bố chính thức vào ngày 8.7.2022. Tất cả mọi mặt (giáo dục, khám phá, ứng dụng và phát triển bền vững bao trùm) phải thúc đẩy khoa học cơ bản hợp tác và cởi mở. Đây là vòng tròn đạo đức mà chúng tôi muốn thúc đẩy trong Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”.
GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
Việc tổ chức hội thảo nhằm mục đích thảo luận giữa các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế về mối tương quan giữa khoa học và đạo đức, nền tảng cơ bản cho sự phát triển con người; vai trò của khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đối với sự phát triển bền vững của xã hội, trong đó yếu tố đạo đức và phát triển con người sẽ được nhấn mạnh.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy dự khai mạc hội thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ sự cảm ơn đến các nhà khoa học, quý vị đại biểu đã về với Quy Nhơn, Bình Định, mảnh đất giàu truyền thống văn hoá - lịch sử của miền Trung Việt Nam, nơi hội tụ và lan toả nhiều ý tưởng mới, để tham dự hội thảo quan trọng và có nhiều ý nghĩa này.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định với các nhà khoa học, chính trị, ngoại giao… trong nước và nước ngoài thông điệp về: “Tầm nhìn Việt Nam đối với phát triển khoa học vì con người”. Đó là thông điệp về một tầm nhìn mang đặc sắc, bản lĩnh Việt Nam, về sự hài hoà giữa đạo đức, khoa học và phát triển trong một bối cảnh đang thay đổi nhanh, khó dự liệu của thế giới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ thông điệp về “Tầm nhìn Việt Nam đối với phát triển khoa học vì con người” đến các nhà khoa học, chính trị, ngoại giao, dân sự… trong nước và nước ngoài tham dự hội thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Phát triển vì con người đã được Việt Nam kiên trì theo đuổi ngay từ những ngày đầu lập nước. Mục tiêu đó đã được thể hiện kiên định trên quốc hiệu Việt Nam suốt 77 năm qua, đó là: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Thực hiện nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, chúng tôi xác định tầm nhìn xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Đó là tầm nhìn vừa mang giá trị, ý nguyện và khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam, vừa mang những giá trị phát triển phổ quát của nhân loại và được hiện thực hoá bằng tiến trình đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước. Đổi mới là sự lựa chọn mang tính lịch sử, đánh dấu bước chuyển to lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mang đến sự thay đổi sâu sắc, toàn diện trong nhận thức, tư duy về đường lối xây dựng, phát triển đất nước. Đó là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chắt lọc tiếp thu tri thức của nhân loại; đã thật sự trở thành sản phẩm sáng tạo của Việt Nam. Sau 35 năm đổi mới, từ một nước nghèo, lạc hậu, thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển. Tăng trưởng ổn định và bao trùm đã đem lại lợi ích cho tuyệt đại đa số người dân, góp phần cải thiện đáng kể mọi lĩnh vực xã hội. Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam đề ra mục tiêu tổng quát KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo “Khoa học, đạo đức và sự phát triển con người”, ông Michel Spiro - Chủ tịch Hội đồng Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, cho rằng: “Cơ sở lý luận và thông điệp rút ra của Năm quốc tế là khoa học cơ bản xuất phát từ trí tò mò và lòng ham học hỏi. Đây vừa là nền tảng của giáo dục, vừa là nguồn khám phá để nghiên cứu các ứng dụng có thể hỗ trợ phát triển bền vững bao trùm (cải thiện công bằng và phúc lợi toàn cầu cũng như xây dựng một hành tinh lành mạnh, sinh động). Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi cần tất cả các bạn, từ giáo viên, nhà khoa học, DN tư nhân, người ra quyết định và cộng đồng nói chung cùng chia sẻ tầm nhìn này và thực hiện hành động”…
Ông Michel Spiro - Chủ tịch Hội đồng Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững phát biểu chào mừng tại hội thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
Hội thảo quốc tế “Khoa học, đạo đức và phát triển con người” diễn ra từ nay đến ngày 16.9, là hội thảo thứ ba trong chuỗi hội thảo liên ngành “Vai trò Khoa học và xã hội” được tổ chức trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, là hội thảo tiếp nối hai hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” và “Khoa học để phát triển” đã được tổ chức vào năm 2016 và năm 2018 tại ICISE. Ngoài 7 bàn tròn giới thiệu vai trò của khoa học đạo đức trong các chủ đề, như: Sức khỏe và thao tác gen, môi trường và đa dạng sinh học, phát triển bền vững, giáo dục khoa học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hòa bình và giải trừ quân bị, sẽ có hai bàn tròn đặc biệt. Trong đó, một bàn tròn bao gồm thảo luận giữa các nghị sĩ và những người tham gia hội nghị về cách thức các nghị viện có thể phát huy hiệu quả vai trò hoạch định chính sách của mình về việc sử dụng khoa học có đạo đức vì lợi ích xã hội và hòa bình, đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng. Bàn tròn đặc biệt thứ hai đề cập đến mối quan hệ giữa khoa học và hoạch định chính sách trong thời kỳ đại dịch. Bàn tròn này thảo luận chủ yếu về chất lượng và hiệu quả của các chính sách được các chính phủ áp dụng để bảo vệ người dân.
Nguồn: BTV
TRỌNG LỢI