STEM vào trường học
Giáo dục STEM đang được thúc đẩy triển khai trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn.
Ngày 4.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đề ra những giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục STEM tại trường học. Giáo dục STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Maths - toán học) về bản chất được hiểu là trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực KHCN, kỹ thuật và toán học và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.
Khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển cho hay, trước đây Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo từng bước đưa giáo dục STEM vào trường học, cho đến năm 2020 thì gọi hẳn tên STEM trong thực hiện chương trình giáo dục trung học từ năm học 2020 - 2021. Tại Bình Định, giáo dục STEM đã được triển khai qua hình thức dạy học các môn khoa học theo bài học STEM, tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM và hoạt động nghiên cứu KHKT.
Học sinh tham gia chương trình STEM trải nghiệm do Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo tổ chức. Ảnh: M.H
Ngành Giáo dục tỉnh có thuận lợi lớn là nhiều năm qua đã tổ chức triển khai thành công một số cuộc thi nghiên cứu KHKT, phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng… Chính từ đây, thầy cô các trường dần quen với việc hướng dẫn học sinh lên ý tưởng, nghiên cứu, đó là một phần của giáo dục STEM. 10 năm tham gia cuộc thi KHKT Bộ GD&ĐT phát động, riêng cấp tỉnh có 489 dự án của học sinh đạt giải; 22 dự án tham gia cấp quốc gia đạt giải và 2 dự án tranh tài ở sân chơi quốc tế.
Đến năm học 2021 - 2022, giáo dục STEM đã được được triển khai qua mô hình dạy học tích hợp các môn Vật lý - Hóa học - Sinh học với 414 chủ đề tại 148 trường THCS, 99 chủ đề tại 55 trường THPT. Ở bậc tiểu học chưa bắt buộc, song một số trường học từng bước làm quen thông qua dạy học bàn tay nặn bột.
Theo ông Huỳnh Lê Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, giống như quan điểm giáo dục của Việt Nam từ trước là “học đi đôi với hành”, học tập theo phương pháp STEM về bản chất là giúp học sinh có được sự chủ động sáng tạo, thích thú trong học tập, rèn luyện thông qua các phương pháp nghiên cứu khoa học ứng dụng hiện đại. Cuối cùng là tạo ra một lớp học thật sự do học sinh làm chủ, học sinh là trung tâm. Bên cạnh bài học theo chủ đề, nhà trường quan tâm tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế dành cho học sinh lớp chuyên 2 lần/năm.
Từ “đường nhỏ” ra “đường lớn”
Nhiều ý kiến nhận diện khó khăn khi giáo dục STEM vẫn là vấn đề còn mới đối với nhiều trường học và nhiều giáo viên; nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cộng đồng còn hạn chế. Trong khi đó, tâm lý nhiều học sinh và phụ huynh học sinh vẫn chỉ quan tâm đến các môn văn hóa để chuẩn bị cho các kỳ thi. Bà Lê Thị Điển cũng cho hay, một vấn đề quan trọng là mối liên hệ giữa nhà trường phổ thông với cơ sở giáo dục CĐ, ĐH, cơ sở nghiên cứu, DN trên địa bàn còn hạn chế. Ngành Giáo dục sẽ tăng cường liên kết với các cơ sở, DN để triển khai, phát triển giáo dục STEM cho học sinh.
Dưới góc nhìn chuyên gia STEM, ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Học viện Sáng tạo S3, khẳng định tư duy của STEM là tư duy của sản xuất gồm tối ưu, sáng tạo, tổng hợp. Học sinh học STEM là “để biết, để làm”. Song song đó, việc học STEM phải đi đôi với thực hành, học qua trải nghiệm và tích hợp dự án. Do đó, cần xây dựng một hệ sinh thái STEM trong trường phổ thông, trong đó trường phổ thông cần tương tác và phối hợp chặt chẽ với các trường ĐH, tổ chức giáo dục và khoa học, viện nghiên cứu, DN…
Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, cho hay cùng với phát triển khoa học và phổ biến khoa học đến công chúng, Trung tâm đã đưa trải nghiệm STEM trở thành một trong những hoạt động chính từ năm 2021. “Năm 2022, chúng tôi phối hợp với Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ xây dựng các chương trình STEM trải nghiệm, tương tác gắn kết với đào tạo trực quan cho học sinh, sinh viên, theo từng chủ đề như STEM làm xà phòng, làm nến thơm, lò nướng bằng năng lượng mặt trời, làm bộ nhạc cụ bằng chao nhựa, robotic mini côn trùng… Chúng tôi cũng sẽ tổ chức ngày hội STEM để tiếp cận đa dạng hơn chương trình giáo dục STEM”, ông Hà chia sẻ.
MAI HOÀNG