“Nhạc MIDI cho chương trình giáo dục âm nhạc THCS”:
Sáng kiến tâm huyết của một người thầy
Nhận thấy nhiều giáo viên âm nhạc còn hạn chế trong việc sử dụng nhạc cụ trong quá trình giảng dạy, thầy Lý Anh Võ đã có sáng kiến kinh nghiệm làm nhạc midi dùng cho chương trình giáo dục âm nhạc bậc THCS. Sáng kiến này đã phát huy được hiệu quả cao trong thực tế học tập và giảng dạy âm nhạc.
Từ 40 năm gắn bó với nghề
Thầy giáo Lý Anh Võ, giáo viên bộ môn âm nhạc khoa Năng khiếu và Giáo dục quốc phòng của Trường Cao đẳng Bình Định, tâm sự: “Kinh nghiệm nhiều năm đệm đàn cho đối tượng học sinh phổ thông các cấp, rồi tiếp cận với giáo sinh, giáo viên môn âm nhạc, tôi thấy có khá nhiều giáo viên phổ thông lúng túng khi sử dụng đàn phím điện tử trong quá trình giảng dạy. Mặt khác, trong khi lên lớp nếu giáo viên chú trọng vào việc sử dụng đàn đánh trực tiếp, sẽ có nhiều hạn chế trong việc theo dõi quan sát lớp, không bao quát được hoạt động của học sinh...”. Để góp phần khắc phục thực trạng này, với tâm huyết của một người gần 40 năm gắn bó với nghề, thầy Anh Võ đã quyết định thực hiện sáng kiến làm nhạc MIDI (Musical Instrument Digital Interface) cho chương trình giáo dục âm nhạc THCS.
Việc phối đệm các bài hát trong chương trình học sinh THCS dù chỉ là các bài hát thiếu nhi, nhưng có nhiều thể loại nhạc khác nhau như nhạc nước ngoài, dân ca ba miền… nên đòi hỏi phải có kiến thức rộng về âm nhạc. Sau khi nghiên cứu các bài hát, bài tập đọc nhạc trong chương trình sách giáo khoa bậc THCS, thầy Anh Võ đã chọn cách hòa âm tương đối đơn giản phù hợp với âm nhạc thiếu nhi và cũng để cho người dùng học tập, tham khảo dễ nghe, dễ nhận. Riêng đối với các bài tập đọc nhạc thì thầy Anh Võ chú trọng vào việc đàn rõ, chính xác giai điệu và làm phần nhạc đệm đơn giản. Nhận thấy phần intro dạo đầu của đàn phím điện tử không phù hợp, thầy Anh Võ đã soạn phần intro theo nhiều cách khác nhau tạo sự phong phú, hấp dẫn học sinh cảm nhận giọng, nhịp độ âm nhạc, chỗ bắt vào bài hát…Thầy Anh Võ cũng ít dùng phần ending (nhạc kết) trong đàn vì không phù hợp với các bài nhạc Việt Nam, mà tự mình soạn phần ending.
Thầy Anh Võ cho biết: “Các bài nhạc theo bản ghi trong sách giáo khoa được tôi đàn đúng và ghi nhớ trên nhiều loại đàn điện tử thông dụng. Đến khi thấy bản nghe ghi hoàn chỉnh thì ghi lại vào ổ cứng máy tính, sau đó chép ra đĩa mềm, USB cho nhiều học trò, các thầy cô dạy nhạc sử dụng và tham khảo thêm ý kiến của họ để cải tiến các bài nhạc cho hoàn chỉnh”.
Thầy Anh Võ đã thực hiện được đĩa CD nhạc đệm tất cả 28 bài hát trong chương trình học nhạc của 4 khối lớp bậc THCS. Ngoài ra, thầy còn thực hiện kèm theo đĩa CD hát mẫu do mình tự hát để giúp học sinh THCS nghe hát, luyện tập làm quen theo nhạc đệm.
Hiệu quả thiết thực
Khi báo cáo sáng kiến kinh nghiệm năm học 2013 - 2014 tại Trường Cao đẳng Bình Định, đề tài “Nhạc midi cho chương trình giáo dục âm nhạc THCS” của thầy Anh Võ được xếp loại xuất sắc. Các bài nhạc của thầy đã giúp giáo sinh tập hát chính xác hơn, tham khảo, học tập phần đệm các bài hát trong chương trình giáo dục âm nhạc THCS. Đồng thời có thể tập đệm nhạc trên phần giai điệu làm sẵn. Giáo viên âm nhạc thì sử dụng để lên lớp, làm nhạc đệm cho chương trình văn nghệ. CD nhạc đệm của thầy Anh Võ cũng giúp khắc phục việc “lên lớp chay” của giáo viên âm nhạc ở các trường học chưa trang bị nhạc cụ.
Nhạc sĩ Hữu Thuần, người từng có nhiều năm kinh nghiệm dạy âm nhạc ở Quy Nhơn, nhận xét: “Khi sử dụng nhạc đệm định dạng MIDI của thầy Anh Võ trên đàn phím điện tử, các giáo viên âm nhạc có thể thay đổi được một số yếu tố như dịch giọng cho phù hợp với cử giọng, thay đổi nhịp độ nhanh chậm theo ý muốn, chỉnh sửa các kênh, pha trộn lại âm lượng, âm sắc từng kênh. Qua đó, giúp ích được nhiều cho giáo viên làm chủ được thời gian hơn khi tập một bài hát mới…”.
Làm nhạc MIDI cho chương trình giáo dục âm nhạc THCS là sự nâng cao hơn từ thành công của sáng kiến làm nhạc MIDI dùng cho âm nhạc bậc tiểu học mà thầy Anh Võ đã thực hiện từ năm 2012. Ngoài ra, thầy Anh Võ còn có sáng kiến “Phổ nhạc một số bài thơ trong chương trình làm quen với văn học của trẻ mầm non” (được tặng bằng khen phong trào thi đua Lao động sáng tạo của tỉnh năm 2011), giúp cho trẻ cảm thấy ghi nhớ bài thơ dễ dàng hơn, tăng thêm sự cảm thụ đối với văn học, cảm nhận được sự gắn bó giữa văn học và âm nhạc…
HOÀI THU