Quy định 80 về phân cấp, quản lý, bổ nhiệm cán bộ: Bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 80-QÐ/TW (ngày 18.8.2022) thay thế Quy định 105-QÐ/TW (ngày 19.12.2017) về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo các ý kiến đánh giá, quy định mới này góp phần bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong giai đoạn mới.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Theo nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Quý, so với Quy định 105 trước đây, Quy định 80 vừa được Bộ Chính trị ban hành về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử rất cụ thể, sát với thực tiễn trong nhiều nội dung. Việc thực hiện Quy định 80 góp phần bảo đảm tính chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Cụ thể, một trong những điểm mới của Quy định 80 là bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị, đó là ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên Trung ương, gồm cả Ủy viên dự khuyết). “Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan theo dõi, quản lý hồ sơ của cán bộ đảng viên nên việc ủy quyền này sẽ giúp công tác cán bộ sát với thực tiễn và mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Quý nhận định.
Quy định 105 chỉ nêu nhiệm vụ của Bộ Chính trị là “Trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương”. Trong khi đó, quy định mới mở rộng hơn, cụ thể: “Trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ”.
Quy định 80 cũng nêu rõ, cá nhân, tập thể đề xuất cán bộ phải chịu trách nhiệm chính trước cấp có thẩm quyền về đánh giá, nhận xét, kết luận tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu khuyết điểm; kê khai tài sản, thu nhập. Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, thẩm tra, rà soát thông tin đối với nhân sự được đề xuất. Tập thể quyết định bổ nhiệm cán bộ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Quy định 80 cũng nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị trong chuẩn bị, giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Huệ - nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh), đánh giá: Quy định 80 của Bộ Chính trị là một bước tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn về công tác cán bộ, nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đặc biệt, việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt tiêu biểu, có tài, có tâm, có tầm là điều mà toàn dân rất mong muốn trong tình hình hiện nay.
Trước đây, Quy định 105 nêu 5 bước bổ nhiệm cán bộ, Quy định 80 tăng thêm 2 điều kiện để bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Đó là cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên; đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Nhân sự phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất hai năm.
Đáng chú ý, Quy định 80 nêu rõ cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong thời gian từ 12 - 60 tháng. Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Bằng, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Lương (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) nêu quan điểm: Quy định như vậy là phù hợp; bởi khi cán bộ bị xử lý kỷ luật phải có thời gian để tổ chức, tập thể đánh giá, nhìn nhận về sự phấn đấu của cán bộ đó.
Theo ông Hoàng Như Ý, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Quy định 80 được ban hành bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị; đánh giá cán bộ một cách khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Dẫn lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, ông Hoàng Như Ý cho rằng để có cán bộ tốt, công tác cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do đó, việc chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ quyết định đến vận mệnh của đất nước, nâng cao uy tín của Đảng trong lãnh đạo nhân dân. Điều quan trọng nhất là phải phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
NGUYỄN HÂN