Một thoáng Cù Lao Xanh
“Bình Định có núi Vọng Phu, có Đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh”
(Ca dao Bình Định)
Từ TP Hồ Chí Minh, chỉ hơn một giờ bay, chúng tôi đã có mặt ở Quy Nhơn. Thông tin từ đứa cháu ở Cù Lao Xanh, cho hay, vì gió và sóng lớn, chính quyền không cho ca-nô hoạt động, chỉ có tàu lớn chạy. 12 giờ 30 phút xuất phát từ cảng Hàm Tử - Quy Nhơn. Tôi và một đứa cháu cùng đi đến cảng hơi sớm, còn những 3 giờ đồng hồ nữa mới lên tàu.
Từ Quy Nhơn ra đảo Cù Lao Xanh, nếu là ca-nô, thì chỉ chưa đầy nửa tiếng đến nơi, còn tàu gỗ lớn thì mất gần hai tiếng. Đúng là mấy ngày liên tục ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới ngoài khơi, nên biển Quy Nhơn cũng có sóng khá cao. Chính quyền không cho ca-nô vận chuyển hành khách cũng là việc làm đúng đắn, bảo vệ sinh mạng người dân là trên hết; hiểu điều đó, những hành khách trên chuyến tàu chúng tôi ra đảo, chẳng ai phàn nàn trách cứ gì, mà còn ủng hộ quyết định của chính quyền; chậm một chút mà đảm bảo an toàn. Trên con tàu gỗ mà tôi có mặt, đủ các thành phần... khách, nhưng đông hơn cả vẫn là khách thăm đảo như chúng tôi. Giá vé tàu gỗ cho một người cả khi ra đảo và vào chỉ sáu chục ngàn đồng, còn nếu đi ca-nô thì giá đắt hơn: 200.000 đồng cho một người một lượt.
Một góc Cù Lao Xanh - xã đảo Nhơn Châu: Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Cách đây gần 20 năm, trong một chuyến ra Cù Lao Xanh, cũng chỉ cỡi ngựa xem hoa, hồi ấy tôi thấy đảo còn hoang sơ lắm. Chúng tôi chỉ cập bến lên bờ vài chục phút rồi xuống ca-nô ra đảo đá xem khai thác tổ yến. Những vách đá cheo leo, chỉ bằng những cây tre nứa làm giàn, thế mà những người công nhân cứ thoăn thoắt trên không trong những vòm hang thăm thẳm để lấy những tổ yến bám vào đá. Một thanh niên, là người khai thác tổ yến nói với chúng tôi: làm nghề này tuy có nguy hiểm nhưng thu nhập khá. Theo các anh bộ đội biên phòng, trên chiếc ca-nô chuyên dụng mỏng mảnh, chúng tôi lượn một vòng quanh đảo. Mơ sao có một ngày Cù Lao Xanh trở thành điểm đến của khách thập phương. Sự mơ ước của ngày xa xưa ấy, giờ đã thành hiện thực!
Chúng tôi cập bến khi trời Cù Lao Xanh còn khá nắng. Cái nắng của biển mùa giao thời giữa Hạ và Thu không gay gắt lắm, nhưng đứa cháu đi cùng tôi khá thông thạo vùng đảo này, bảo: “cháu nghỉ nhà đứa em của cháu, còn chú nghỉ ở khách sạn, cũng gần nhau thôi, chiều muộn, cháu đưa chú đi khám phá đảo nhé”. Và rồi “chiều muộn” cũng đến. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, chúng tôi vòng quanh đảo, quanh các bãi tắm, điều mà chúng tôi thích nhất là phong cảnh hữu tình, cây và đá và nước cứ như quyện vào nhau, cát trắng phau, cây xanh rì và nước trong vắt... mang lại cảm giác hoang sơ, mát mẻ, trong lành. Dừng lại một bãi tắm nhỏ và hẹp, giờ ấy chưa có khách tắm, chỉ thấy vài ba người đàn ông đang cặm cụi nhặt rác nhựa. Hỏi thì được biết, sau khi khách ghé chơi rồi có người vô ý vứt rác ra biển, chúng tôi phải nhặt, phân loại để xử lý, nếu không làm thường xuyên như thế thì rác sẽ làm mất vệ sinh, mất mỹ quan nơi vui chơi của khách. Tìm hiểu, chúng tôi biết, mỗi điểm vui chơi, tắm, bơi... đều có chủ, là chính quyền cho người dân thuê kinh doanh có thời hạn và với cam kết là đảm bảo an toàn cho khách và vệ sinh môi trường.
Ảnh: BÍCH HÀ
Cù Lao Xanh - Nhơn Châu có diện tích tự nhiên khoảng 364 hec-ta với dân số khoảng 3.000 người, cũng là một đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc thành phố Quy Nhơn. Đây là hòn đảo có diện tích lớn nhất ở tỉnh Bình Định. Đến với hòn đảo xinh đẹp này du khách sẽ được khám phá những điều tưởng như giản dị nhưng để lại cho lòng người bao ấn tượng, nhớ thương. Quả là như vậy, đứa cháu gái bà con ở làng tôi tận Phù Mỹ, loanh quanh trường đời phố thị, gặp anh chàng xứ đảo, theo anh ra đảo rồi, giờ trở thành công dân của Cù Lao Xanh luôn. Cù Lao Xanh hay còn gọi là đảo Vân Phi, là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, cách bờ biển nội thành thành phố Quy Nhơn chừng 20 km về phía Tây-Bắc và cách đất liền phía xã Xuân Hòa, Sông Cầu, tỉnh Phú Yên khoảng 5 km về phía Tây. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi ngắm Cù Lao Xanh từ trên cao, khi máy bay chưa đáp xuống sân bay Phù Cát là một hòn đảo nằm giữa biển khơi xanh ngăn ngắt. Trong khi tôi chú ý quan sát và ghi hình, đứa cháu tôi ghé mắt qua cửa kính máy bay, nó chỉ cho tôi, đâu là Cù Lao Xanh, giờ đang vòng quanh đảo bằng chiếc xe máy cũ kỹ, tôi lại mơ được bay từ trên cao nhìn đảo cho thõa thích.
Từ ngoài biển nhìn vào, làng chài của ngư dân xứ đảo nằm nghiêng dưới chân núi, bên bờ cát trắng phau, có người đã từng ví làng này trông như một nét mày thiếu nữ, nhìn lên đỉnh núi phía sau “nét mày thiếu nữ” ấy là ngọn hải đăng cao sừng sững nổi bật giữa cả một vùng biển bao la. Nhớ khi ngồi trong một quán ăn ở đường Xuân Diệu, Quy Nhơn, chú em và cũng là một thời đồng nghiệp, dân “bản xứ”, bảo với tôi, anh cứ đi ra đảo đi, nếu gặp mưa to gió lớn, em chạy vào Phú Yên... bơi ra đón anh, lo gì. Đó là chú ấy bảo thế khi tôi phân vân, lỡ ra đảo rồi gặp mưa bão thì có mà... thành công dân đảo cũng nên. Được biết, bà con ngư dân nơi đảo, cần cù, chăm chỉ với nghề biển, thu nhập cũng khá, giờ không còn hộ đói nữa. Cuối năm 2020, thành phố Quy Nhơn đã đầu tư kéo điện lưới ra đảo bằng cáp ngầm. Có điện, bà con trên đảo phấn khởi, càng tích cực lao động, một bộ phận người dân đã bắt đầu làm du lịch. Hàng quán mua bán, ăn uống mọc lên, khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng khang trang. Đường vòng quanh đảo và đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch, đẹp. Nhiều gia đình đã có xe trung chuyển phục vụ khách khi có nhu cầu tham quan quanh đảo. Giá cả các loại hàng hóa rất mềm, nếu không muốn nói là có mặt hàng rất rẻ.
Bãi Nam Cù Lao Xanh khi thuỷ triều hạ. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Đêm xuống, cả đảo bừng sáng lên, dọc theo bờ biển khi đèn đường bật sáng, cũng là lúc bà con đem bàn ghế sắp ra, chuẩn bị phục vụ thực khách về đêm. Đứa cháu tôi cũng đem bàn ghế từ nhà mình ra cùng vài thức nhấm và bia. Chỉ sau vài chục phút, thêm ba bốn, rồi năm sáu bảy bạn hàng xóm cùng góp sức cho cuộc vui gặp gỡ nhiều món ăn tươi sống “của nhà”, như ốc biển, cua đá, cá, mực, cả tôm hùm nữa, những thứ mà người xứ đảo bảo đặc sản của họ, không đâu sánh bằng. Người xứ Cù Lao Xanh sao mà thân thiện, bình dị, và mến khách đến lạ lùng-là tôi ngầm nhận xét như vậy, và hẹn ngày trở lại.
Nói chuyện với một cán bộ xã còn khá trẻ, cũng là cháu rể của quê tôi, tôi bảo giờ đảo đã được đưa vào sơ đồ quy hoạch du lịch của địa phương, nhiều nơi đã biết đến, nếu xã vận động bà con tham gia làm du lịch thì tốt biết bao. Tìm những sản vật là “của riêng” xứ đảo, “đưa lên tầm OCOP”, tổ chức nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm cho khách thập phương. Tôi biết ở đảo giờ cũng đã có trường THCS, nhiều cháu sinh ra, lớn lên, học hành ở đảo, xã nên chọn một số cháu có năng khiếu làm nghề du lịch, dịch vụ cử đi học rồi về phục vụ ở đảo-điều đó có thể địa phương làm được.
Thuyền và bè nuôi trồng hải sản neo đậu tại biển Nhơn Châu. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Rồi tôi cũng nghĩ, theo thống kê của xã, thì khách từ Gia Lai đến đảo rất đông vào mùa hè. Giá mà ngành du lịch Gia Lai biết khai thác điều này, kết nối với ngành du lịch Quy Nhơn, đưa đón khách từ rừng xuống biển và ngược lại thì tốt biết bao nhiêu. Thuở xưa ông bà ta chẳng đã từng bảo: “Ai về nhắn với nậu nguồn/măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên”, đó sao?
BÍCH HÀ