Phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
(BĐ) - Chiều 13.9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại diện các cơ quan, đơn vị, các cá nhân, chuyên gia, cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị bổ sung, điều chỉnh một số vấn đề nhằm phù hợp với thực tiễn, góp phần giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua.
Đó là bổ sung một số loại đất mới; quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án; quy định tỷ lệ người dân đồng ý khi triển khai các dự án hoặc thu hồi đất. Cơ quan soạn thảo Luật cần cần làm rõ ai là người xây dựng bảng giá đất; định giá thế nào là sát giá thị trường; phân định giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai. Luật cũng cần tạo điều kiện để đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất ở vùng nông thôn…
Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển KT-XH. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt. Thông qua Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu, chuyên gia góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai.
AN PHƯƠNG