Từng bước xây dựng “thương hiệu” heo đen Vĩnh An
Heo đen là vật nuôi gắn bó lâu đời với người Bana ở xã miền núi Vĩnh An, huyện Tây Sơn, là món ăn đặc sản của người Bana tại địa phương. Nuôi heo đen cũng là sinh kế của nhiều gia đình ở đây.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại của gia đình, anh Đinh Ri, ở làng Kon Giọt 1, xã Vĩnh An, chia sẻ: Heo đen là một trong những giống heo có sức đề kháng tốt, không kén ăn, dễ nuôi, thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết, nhất là những nơi rộng rãi, thoáng mát. So với heo trắng, heo đen dù lớn chậm nhưng do thịt thơm ngon nên giá cả rất ổn định, hiện giá bán ra thị trường từ 150 nghìn đồng/kg hơi. Hiện đàn heo đen của tôi có 2 con heo nái và 7 con heo thịt, cả 2 heo nái khi đẻ ra là gia đình tôi cho bà con trong làng nuôi rẽ, đồng thời bán giống cho các hộ khác với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/con.
Heo đen là một trong những giống heo có sức đề kháng tốt, không kén ăn, dễ nuôi, thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết. Ảnh: TÍN TRỌNG
Ông Đinh Kiêu, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Trước kia, hầu như gia đình nào trong xã cũng có 3 - 5 con heo đen, chủ yếu nuôi theo cách truyền thống là thả rông, nên heo phát triển chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Hiện xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới, nên thời gian qua chúng tôi tuyên truyền vận động người dân nuôi heo đen trong chuồng trại. Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã có gần 300 con heo đen được các hộ dân nuôi nhỏ lẻ.
Để phát triển chăn nuôi heo đen bản địa theo hướng hàng hóa mang tính bền vững, xã Vĩnh An cần nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi để mang lại hiệu quả cao, hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm heo đen trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
TÍN TRỌNG