Cảnh giác với bẫy “việc nhẹ lương cao”
Tin lời mời gọi có thu nhập cao từ công việc đơn giản, nhiều người trẻ đã sập bẫy của tội phạm mua bán người. Sau đó, để được giải thoát, họ và gia đình phải mất khoản tiền lớn.
Cả tin
Giữa tháng 6.2022, qua một trang web tìm việc, em N.T.K.M. (15 tuổi, ở huyện Tuy Phước) cùng bạn trai được giới thiệu đến một căn nhà ở TP Hồ Chí Minh để nhận việc làm. Tại đây, cả hai được hướng dẫn các thao tác sử dụng máy vi tính, tạo tài khoản game, app đặt hàng... Sau đó vài ngày, M. cùng bạn trai và một số người khác được đưa sang Campuchia để làm việc với mức lương thỏa thuận 12 - 17 triệu đồng/tháng. Công việc chính của M. là lên mạng xã hội lừa đảo những người Việt Nam khác bằng hình thức chốt đơn hàng online (yêu cầu khách chuyển tiền cọc mua hàng nhưng không giao hàng). Thời gian làm việc từ sáng sớm đến 22 giờ hằng ngày và không được tự ý ra khỏi nơi làm việc.
“Mới đầu, tôi không đạt được định mức đã giao nên bị nhốt, bỏ đói... Sau đó, có bạn trai hỗ trợ nên tôi cũng đạt, song định mức lại được đẩy lên. Bí quá, tôi liên lạc về gia đình để đóng tiền chuộc là 1.700 USD. May mắn là sau đó tận dụng cơ hội cho ra ngoài, tôi nhanh chóng trốn được”, M. kể lại sau gần 3 tháng bị lừa sang Campuchia làm việc với mong muốn đổi đời.
Lực lượng CA tăng cường công tác nắm địa bàn, tuyên truyền về các thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân nắm bắt và nâng cao cảnh giác. Ảnh: K.A
Một trường hợp khác là N.T.H. (21 tuổi, ở huyện Phù Cát) cũng may mắn trở về sau khi được gia đình đóng tiền chuộc 80 triệu đồng. H. kể, trong một lần tìm việc trên mạng xã hội, thấy giới thiệu làm việc trên máy tính, cùng các chế độ tiền lương, phúc lợi hấp dẫn nên quyết định ứng tuyển. Sau đó, H. cùng một vài người nữa được đưa lên ô tô đi trong đêm để sang Campuchia.
Tại đây, công việc của H. là lập các tài khoản Zalo, Facebook giả danh nữ, sau đó tìm kiếm, kết bạn, làm quen, dụ dỗ “con mồi” tham gia các trò chơi có nạp tiền trên mạng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Đây là 2 nạn nhân ở Bình Định may mắn được trở về sau khi sang Campuchia làm việc. Qua việc sàng lọc tin báo từ người dân, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn vài trường hợp chưa được trở về. Được biết, sau khi bị đưa sang Campuchia, các nạn nhân này bị buộc làm việc trên máy tính, giao chỉ tiêu lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người chơi. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, nạn nhân sẽ bị đánh đập, bỏ đói; để được trở về phải nộp tiền chuộc thân với giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Cần cảnh giác
Bên cạnh việc rà soát, nắm bắt tình hình trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan để có phương án giải thoát cho nạn nhân, CA tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về các chiêu thức của loại tội phạm này.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), thủ đoạn của tội phạm mua bán người không mới. Tuy nhiên, trước đây nạn nhân thường là phụ nữ, trẻ em, nay có cả những người trong độ tuổi lao động. Để dễ dàng chiêu dụ “con mồi”, chúng đưa ra các lời mời chào hấp dẫn, hứa hẹn cơ hội đổi đời như: Thu nhập ổn định, không tốn chi phí đào tạo lẫn di chuyển, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy, công việc nhẹ nhàng… Phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người chủ yếu thông qua mạng xã hội.
“Đa phần bọn chúng hướng đến nhóm người trẻ, chưa có việc làm ổn định. Chúng chiêu dụ bằng những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”, mức lương cả nghìn USD mỗi tháng để dẫn dụ nạn nhân. Từ đó, nhiều người dễ tin tưởng và sụp bẫy”, trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh), cho hay.
Có thể nói, sự việc hơn 40 người Việt nhảy xuống sông từ một sòng bạc ở Campuchia để thoát thân vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai tin vào lời mời gọi việc nhẹ lương cao. Để không trở thành nạn nhân tiếp theo của bọn buôn người, mỗi người cần tỉnh táo tìm hiểu thật kỹ công việc, cũng như nơi mình sẽ làm việc trước khi quyết định.
“Một khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan CA để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý. Kể cả những trường hợp đã về được cũng nên trình báo với CA”, trung tá Bình khuyến cáo.
KIỀU ANH