Khiếu kiện liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng:
“Chưa phát hiện trường hợp cán bộ cố tình làm sai lệch để tư lợi”
Ông Đoàn Quang Sáu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh
6 tháng đầu năm 2014, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân trong tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong số 22 đoàn khiếu kiện đông người với tổng cộng 524 người tham gia khiếu kiện 21 vụ việc, có 6 vụ phát sinh mới, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa.
Tại kỳ họp thứ 8 HĐND khóa XI diễn ra từ ngày 8-10.7, một số đại biểu HĐND tỉnh cũng đã đề cập đến một số bất cập trong công tác giải quyết KNTC. Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đoàn Quang Sáu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, phụ trách giải quyết KNTC, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành giải quyết khiếu nại liên quan đến công tác đền bù, giải tỏa các dự án trên địa bàn tỉnh xung quanh vấn đề này.
● Thưa ông, kết quả giải quyết đơn khiếu nại 6 tháng qua cho thấy, có 114/464 vụ khiếu nại của dân đúng, chiếm tỉ lệ 27,21%, cũng có nghĩa là chính quyền và ngành chức năng đã làm sai chừng ấy vụ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Các vụ khiếu kiện phát sinh trong 6 tháng vừa qua phần lớn liên quan đến giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa của các dự án trọng điểm mà tỉnh đang triển khai như: QL1A, QL1D, Khu Kinh tế Nhơn Hội.
“Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị của công dân cấp xã hiện rất khó khăn do chưa bố trí nơi tiếp dân riêng và thiếu cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm xây dựng các điểm tiếp dân riêng và bố trí thêm biên chế cho công tác tham mưu giải quyết đơn thư KNTC và tiếp công dân”
Phát biểu của ông NGUYỄN QUỐC VIỆT, đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XI
Nguyên nhân khách quan là công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai ở các xã, phường, thị trấn còn nhiều yếu kém; quản lý, lưu trữ hồ sơ địa chính lỏng lẻo; cập nhật biến động đất đai không đầy đủ. Mặt khác, cán bộ địa chính thay đổi theo từng nhiệm kỳ nên việc theo dõi quá trình sử dụng đất của các chủ hộ không chính xác dẫn đến việc xác nhận của địa phương không khách quan, chưa đầy đủ, làm phát sinh khiếu nại của công dân. Dĩ nhiên, cũng không thể không phủ nhận trách nhiệm liên quan của một số trường hợp cán bộ công chức trực tiếp thực thi nhiệm vụ đo đạc đất đai, kiểm đếm vật kiến trúc thiếu chính xác đã làm thiệt hại đến quyền lợi, lợi ích của người dân.
Tôi cũng khẳng định rằng, qua kiểm tra, tổ công tác chưa phát hiện trường hợp cán bộ trực tiếp thực hiện cố ý làm trái, làm sai lệch để tư lợi cá nhân.
Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, bên cạnh những vụ khiếu nại đúng, còn có trường hợp dù biết rằng khiếu kiện của mình không có cơ sở vẫn khiếu kiện bởi tâm lý “được hoặc huề” chứ không mất gì. Bên cạnh đó, các chính sách đền bù về giải tỏa theo quy định của pháp luật không nhất quán, chính sách sau có lợi cho người dân hơn so với chính sách trước, dẫn đến so bì, khiếu nại.
Một số vụ khiếu kiện liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng năm 2014:
Vụ ông Huỳnh Văn Trường và một số hộ dân thuộc phường Nhơn Bình khiếu nại nhà nước thu hồi đất của một số hộ dân địa phương xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn nhưng bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng; bà Võ Thị Hiếu và một số hộ dân ở KV 8, phường Nhơn Phú phản ánh Tập đoàn Phúc Lộc và ông Nguyễn Văn Minh tự ý chiếm và sử dụng hồ Phú Hoà không cho nhân dân địa phương khai thác, đánh bắt thủy sản…
Qua giải quyết khiếu nại, cơ quan chức năng đã kiến nghị khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân tổng cộng trên 480m2 đất ở và nhiều lợi ích khác; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng.
● Trong thời gian đến, dự báo tình hình KNTC của công dân trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng vì sắp có nhiều dự án lớn phát triển KT-XH được triển khai, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường di dời giải tỏa. Tỉnh sẽ có những giải pháp nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
- Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 39/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai và thực hiện Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15.7.2013 của Chính phủ về phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND về thực hiện Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Bình Định”, thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án và thành lập tổ giúp việc; đồng thời triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân (có hiệu lực từ ngày 1.7.2014). Theo đó, các ban tiếp công dân được thành lập từ huyện đến tỉnh, do phó chánh văn phòng UBND phụ trách. Đối với UBND cấp xã, việc tiếp công dân do chủ tịch UBND xã thực hiện và phân công cho cán bộ không chuyên trách xử lý đơn thư. Đến nay, đã có 5 đơn vị, trong đó có 4 địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án.
● Được biết, tỉnh cũng đã chỉ đạo, đối với các dự án trọng điểm có giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, cấp đất tái định cư, phải thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết KNTC vấn đề này?
- Đúng vậy. Các tổ công tác có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét các khiếu nại của công dân, kiểm tra, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh hướng giải quyết kịp thời. Nếu người dân không thống nhất về cách đền bù giải tỏa thì khiếu nại đến hội đồng giải phóng mặt bằng của dự án. Nếu tiếp tục khiếu nại thì cấp có thẩm quyền chuyển đơn đến cho tổ công tác xem xét, tham mưu cho tỉnh giải quyết.
● Cảm ơn ông!
THU HÀ (Thực hiện)