Chính sách khuyến khích phát triển gà thả đồi: “Tiếp sức” phát triển kinh tế gia đình
Ngày 4.8.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 41/2022/QÐ-UBND về việc quy định chính sách phát triển gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 tại 5 huyện miền núi và trung du: Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và An Lão. Ðây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế gia đình ở khu vực trung du và miền núi.
Thực hiện theo Chương trình hành động số 11-Ctr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng nhiều chính sách “tiếp sức” nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Trong đó, chăn nuôi được xác định là lĩnh vực trọng tâm với ba nhóm vật nuôi chủ lực là heo, gà, bò thịt chất lượng cao. Riêng về gà, tổng đàn gà toàn tỉnh tăng dần đều qua các năm, hiện ước đạt 6,7 triệu con.
Huyện Hoài Ân tận dụng được thế mạnh để phát triển gà thả đồi dưới các khu vực rừng sản xuất, trang trại trồng cây ăn trái. Ảnh: THU DỊU
Chính sách phát triển gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 được ban hành đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, gồm: Kinh phí xây dựng hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh; chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi; hỗ trợ thực hiện các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gà đồi…
Theo đó, hộ dân được hỗ trợ chính sách phải đáp ứng các yêu cầu trang trại, gia trại có quy mô tối thiểu 3.000 con gà thịt; có đủ điều kiện xây dựng chuồng nuôi đảm bảo an toàn sinh học và diện tích đồi để thả là 1.500 m2, đáp ứng đầy đủ quy định về chăn nuôi của ngành nông nghiệp; cam kết chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện đúng các biện pháp an toàn sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Còn các nhà đầu tư tham gia xây dựng chuỗi liên kết giết mổ và tiêu thụ sản phẩm được hưởng ưu đãi từ chính sách này và chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định chú trọng phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, trong đó thế mạnh là gà, bò, heo. Với 3 nhóm này, ngành nông nghiệp xây dựng riêng từng đề án cụ thể trong phát triển chăn nuôi bền vững, trình UBND tỉnh xem xét và quyết định triển khai. Ngay khi có quyết định của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển gà thả đồi, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y rà soát, sớm xây dựng hoàn thiện bộ quy trình phù hợp chuyển giao cho bà con. Đồng thời, Sở NN&PTNT khẩn trương hoàn thành các phần việc theo quy định để sớm ban hành kế hoạch cụ thể.
Xem đây là cơ hội lớn để hỗ trợ bà con nông dân phát triển chăn nuôi, ngay khi chính sách có hiệu lực, chính quyền các cấp huyện Hoài Ân giao ngành nông nghiệp huyện chủ động đi trước, rà soát và nắm bắt nhu cầu của các hộ chăn nuôi; đánh giá mức độ phù hợp của từng vùng nhằm có giải pháp phù hợp khi triển khai thực tế. “Đây là cơ hội tốt để huyện Hoài Ân tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà thả đồi, mở hướng cho người dân phát triển kinh tế, tạo thêm sản phẩm chủ lực cho ngành nông nghiệp huyện. Hoài Ân có diện tích đất sản xuất lâm nghiệp lớn, các trang trại cây ăn trái đang phát triển quy mô lớn ở vùng đồi rất phù hợp để kết hợp thả gà, tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, khẳng định.
Tương tự, ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho hay, đặc biệt ở Tây Sơn khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, người dân có đủ điều kiện và được hỗ trợ tham gia nuôi gà thả đồi dưới tán rừng gỗ lớn giúp “lấy ngắn nuôi dài”, ổn định thu nhập, hài hòa để giữ được rừng. Chính sách này góp phần giúp Tây Sơn sớm hoàn thành các tiêu chí về phát triển sản xuất ở khu vực vùng núi xã Vĩnh An, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho hay: Đến nay, Chi cục đã triển khai công việc liên quan trong phối hợp với các địa phương rà soát, nắm số liệu các hộ đủ điều kiện tham gia vào thực hiện chính sách. Đồng thời, chúng tôi xây dựng bộ quy trình về chăn nuôi gà thả đồi hoàn thiện trình Sở NN&PTNT để có cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể.
THU DỊU