Ðức Thánh Trần trong lòng dân Bình Ðịnh
Trong tâm thức của người dân Việt Nam, Ðức Thánh Trần - Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn là nhân vật có thật trong lịch sử được nhân dân ngưỡng vọng, tôn bái thành Thánh. Từ lâu, tục lệ “Tháng tám giỗ Cha” - tức giỗ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Ðạo đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng của người dân Quy Nhơn - Bình Ðịnh.
Theo thường lệ, ngày 20.8 âm lịch hằng năm (năm nay nhằm ngày 15.9), UBND TP Quy Nhơn và cán bộ, nhân dân hai phường Hải Cảng, Thị Nại - nơi có Tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo và Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - lại tổ chức lễ tưởng niệm ngày húy kỵ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) theo các nghi lễ cổ truyền.
Vị Thánh trong lòng dân
Gần 50 năm gắn bó với công việc quản lý, tế lễ tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, ông Nguyễn Bá Đạt, Phó trưởng ban quản lý Đền thờ, tâm tình: “Đền thánh Sơn Hà được tạo lập năm 1968 và được trùng tu, nâng cấp nhiều lần. Đến năm 2007, Đền được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và mang tên Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Dù được thành phố đứng ra tổ chức lễ giỗ Đức Thánh Trần, nhưng bà con nhân dân vẫn chung tay góp giỗ. Không chỉ ngày chánh kỵ của Ngài, mà các dịp, như lễ đản sanh - mùng 10 tháng Chạp, lễ khai ấn - mùng 2 Tết Nguyên đán, lễ đại hội đồng các chư tướng - 25 tháng Giêng, hay các ngày đầu tháng, ngày rằm có rất đông người dân, du khách về Đền dâng hoa, dâng hương vọng bái Đức Thánh Trần để cầu mong an lành, may mắn”.
Nghi lễ rước giác linh Hưng Đạo Đại Vương từ Tượng đài ở Hải Minh Ngoài (phường Hải Cảng) về Đền thờ tại phường Thị Nại được tổ chức quy mô, rực rỡ sắc màu lễ hội. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Người dân ở Hải Minh Ngoài (khu vực 9, phường Hải Cảng) cũng rất tự hào khi nơi đây có Tượng đài Đức Thánh Trần đứng uy nghi tại cửa biển Quy Nhơn - di tích này đã được UBND tỉnh xếp hạng năm 2007. Ông Mai Văn Xịn, người dân ở Hải Minh Ngoài, chia sẻ: “Người dân ở đây rất tin vào sự hiển linh của Đức Thánh Trần, nên không chỉ ngày lễ, Tết, mỗi khi có việc trọng đại của gia đình, bản thân lại đến Tượng đài Đức Thánh Trần để thắp hương cầu nguyện. Mỗi dịp giỗ Ngài, bà con đến quét dọn, vệ sinh sạch sẽ khuôn viên di tích, rồi treo cờ, chuẩn bị vật phẩm, hương hoa để cúng, không khí rất thành kính, đầm ấm, vui tươi”.
Không những người dân Quy Nhơn, Bình Định, mà nhiều người dân ngoài tỉnh về dự lễ giỗ Hưng Đạo Đại Vương tổ chức tại Quy Nhơn đều cảm thấy tự hào về một vị Thánh linh thiêng của dân tộc.
“Hơn 35 năm nay, hễ đến ngày giỗ Đức Thánh Trần là tôi lại sắp xếp về Quy Nhơn để dự lễ. Không riêng gì tôi, tất cả người dân Việt Nam đều rất ngưỡng mộ, tôn kính Hưng Đạo Đại Vương, cùng các bậc anh hùng, liệt sĩ có công rất lớn trong chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước”, anh Huỳnh Thái Bình, ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) bày tỏ. Còn chị Phan Thị Anh Hoa, quê ở tỉnh Nam Định, hiện sinh sống tại Quy Nhơn, tâm sự: “Nhà tôi ở TP Nam Định chỉ cách trung tâm Đền Cố Trạch - thờ Đức Thánh Trần khoảng 1 km, nên hồi còn ở ngoài quê năm nào cũng đi dự lễ hội Đền Trần vào dịp giỗ Đức Thánh Trần. 10 năm nay lập nghiệp ở Quy Nhơn, năm nào đến ngày giỗ Đức Thánh Trần, tôi cũng đến Tượng đài và Đền thờ Đức Thánh Trần ở Quy Nhơn để dâng lễ cúng, cầu nguyện cho gia đình mạnh khỏe, bình an”.
Giáo dục truyền thống yêu nước
Năm nay, Lễ tưởng niệm 722 năm (1300 - 2022) ngày húy kỵ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được UBND TP Quy Nhơn tổ chức từ ngày 13 - 15.9 (tức ngày 18 - 20.8 âm lịch) với nhiều nghi lễ đặc sắc, quy mô hơn mọi năm, nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, kiêm Trưởng Ban quản lý Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, ngày giỗ Đức Thánh Trần mỗi năm đã trở thành ngày quan trọng được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, năm nay giỗ được tổ chức hoành tráng hơn, đặc biệt phần nghi lễ rước giác linh Đức Thánh Trần nhập điện từ Tượng đài về Đền thờ được tổ chức trang nghiêm, rực rỡ sắc màu lễ hội.
Ngày giỗ Hưng Đạo Đại Vương cũng là dịp để cán bộ, nhân dân Bình Định, du khách hiểu hơn về cuộc đời và tỏ lòng thành kính đối với một vị Thánh - một anh hùng dân tộc là biểu tượng cao đẹp về truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, ý chí độc lập, tự cường của dân tộc. Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết thành phố sẽ tính toán mở rộng quy mô tổ chức ngày húy kỵ Đức Thánh Trần nhằm phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh trong cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Cùng với đó, chúng tôi sẽ có những giải pháp để nâng tầm lễ hội, phát huy hơn nữa di tích Tượng đài và Đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân, giáo dục lịch sử dựng nước và giữ nước cho nhân dân, hướng tới phục vụ phát triển du lịch văn hóa, lịch sử.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN