Cải cách thủ tục hành chính phải bám sát và xuất phát từ thực tiễn
Ðó là yêu cầu quan trọng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, diễn ra ngày 15.9.
Chuyển biến tích cực
Theo đánh giá tại Hội nghị, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 12 luật, 47 nghị định, 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 72 thông tư và 3 văn bản khác). Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan ngang bộ.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: H.T
Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực; theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản để thực thi phương án (gồm 32 luật, 87 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 5 thông tư liên tịch, 97 thông tư, 3 quyết định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ).
Với Bình Định, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết đối với 170 TTHC (trong đó có nhiều TTHC cắt giảm 5 - 10 ngày làm việc so với quy định) của 18 sở, ngành thuộc tỉnh, với số tiền tiết kiệm hơn 4,5 tỷ đồng/năm.
Về giải quyết TTHC, tỉnh đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 1.328 TTHC (đạt tỷ lệ 62,8%), tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.215 TTHC. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 99,7%; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh đạt 17,3%. Dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí được triển khai đối với 978 TTHC (cấp tỉnh 375 TTHC, cấp huyện 85 TTHC và cấp xã 29 TTHC).
Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến vào chiều 15.9.2022. Ảnh: H.T
Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, Bình Định là một trong các tỉnh, thành có nỗ lực đổi mới việc thực hiện TTHC phục vụ người dân, DN; đóng góp tích cực vào hoạt động hiệu quả của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, kết quả triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia về phí, lệ phí năm 2021, Bình Định có 8.700 giao dịch (xếp thứ 2/63 tỉnh, thành); trong đó có 6.903 giao dịch thành công (đạt tỷ lệ 70%, cao nhất trong cả nước). Qua 8 tháng đầu năm 2022, Bình Định có 77.370 giao dịch (nhiều nhất trong cả nước), trong đó có 61.890 giao dịch thành công (đạt tỷ lệ 79,9%, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành).
Về hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, Bình Định là một trong số các tỉnh, thành triển khai quyết liệt việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, để đạt được kết quả nêu trên, kinh nghiệm được UBND tỉnh rút ra là phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trong chỉ đạo sát sao việc tổ chức thực hiện, có đánh giá, kiểm tra thường xuyên bằng các kết quả cụ thể được lượng hóa. Đặc biệt, các kiến nghị, vướng mắc của người dân, DN phải được chủ động và tập trung giải quyết, không để tồn đọng kéo dài, không để lòng vòng, né tránh trách nhiệm…
Bám sát, điều chỉnh theo thực tiễn
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích, làm rõ hơn những thành quả đã đạt được và những hạn chế, khuyết điểm cần phải sớm khắc phục; đồng thời có nhiều định hướng, giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương để thực hiện việc cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN thời gian tới.
Theo Thủ tướng, cần phải đổi mới tư duy, cách thức chỉ đạo, điều hành thật mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để cải cách TTHC đối với DN và người dân ở các cấp lãnh đạo, đặc biệt là các cấp trực tiếp làm việc này. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, kiên quyết loại bỏ lợi ích cửa quyền, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân...
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá hiệu quả thực hiện cải cách hành chính. Mọi chính sách cải cách hành chính, TTHC phải hướng đến người dân, đồng thời người dân phải tham gia đóng góp vào việc này. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao mức độ hài lòng của người dân về cải cách hành chính, TTHC.
“Cải cách TTHC phải bám sát và xuất phát từ thực tiễn, bởi thực tiễn khó dự báo, khó lường, thay đổi rất nhanh. Mọi chính sách, văn bản pháp luật không thể phủ hết được mọi góc cạnh của cuộc sống; cần phải căn cứ thực tiễn để điều chỉnh cho phù hợp, nhanh chóng, chứ không cứng nhắc…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
HOÀI THU