Công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em:
Thay đổi để đánh giá thực chất
Ngày 30.5.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 34/2014/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em (QĐ 34), thay thế Quyết định 37/2010/QĐ-TTg ngày 22.4.2010 (QĐ 37). Đây được coi là bước đi quan trọng trong việc thay đổi cách đánh giá công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em.
Kết quả bước đầu
Ngay sau khi có QĐ 37, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 301/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2011 có 60% xã, phường được công nhận phù hợp với trẻ em. Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 297/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em giai đoạn 2012-2015, với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 80% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.
Tuy Phước là địa phương duy nhất trong tỉnh có 13/13 xã, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em 4 năm liền (2010-2013).
- Trong ảnh: Chương trình vui Tết Trung thu năm 2013 cho trẻ em của huyện Tuy Phước.
Thực hiện các quyết định, kế hoạch liên quan, trong giai đoạn 2010-2013, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em (BVCSTE) của tỉnh đã tiến hành nghiên cứu, biên tập nội dung và in ấn, phát hành 2.600 tờ áp phích về Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em và 2.300 quyển tài liệu tuyên truyền về xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em cấp phát cho các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền về Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cũng được chú trọng triển khai. Một lớp tập huấn về nâng cao năng lực quản lý, giám sát hoạt động xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được tổ chức cho cán bộ các huyện, thị xã, thành phố. Một lớp tập huấn khác dành cho cán bộ phụ trách BVCSTE của 159 xã, phường, thị trấn. “Tại đây, các cán bộ xã, phường được bồi dưỡng thêm về kỹ năng phối hợp trong lĩnh vực BVCS nói chung và công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em nói riêng. Cùng với đó cũng có sự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện QĐ 37”, bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng BVCS trẻ em, Sở LĐ-TB&XH, cho hay.
Thực hiện QĐ 37, năm 2010, toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; năm 2011, con số này đã tăng lên 96. Đến năm 2012 có 117 xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em và được tăng thêm 10 địa phương vào năm 2013. Như vậy, sau 4 năm triển khai thực hiện QĐ 37, toàn tỉnh có 381 lượt xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Trong số đó, có 31 địa phương đạt tiêu chuẩn này cả 4 năm liền.
Thay đổi để đánh giá thực chất hơn
Theo chị Ngô Thị Thanh Thủy, cán bộ Phòng BVCSTE, QĐ 37 có 25 chỉ tiêu, trong khi QĐ 34 chỉ có 15 tiêu chí. Một số tiêu chí trong QĐ 34 được gộp từ 2-3 chỉ tiêu trong QĐ 37. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu của QĐ 37 bị bỏ, đó là những chỉ tiêu không phù hợp với tình hình thực tiễn, không có người theo dõi, đánh giá chính xác, như chỉ tiêu 12 (tỉ lệ trẻ em được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh), chỉ tiêu 17 (tỉ lệ hộ gia đình có trẻ em sử dụng nước sạch), chỉ tiêu 24 (tỉ lệ gia đình có trẻ em đạt danh hiệu gia đình văn hóa)…
Theo QĐ 34, UBND cấp huyện phải tổ chức đánh giá, khen thưởng các xã đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em trong 3 năm liền; các xã đạt 5 năm liền mới được đề nghị UBND tỉnh khen. “Trước đây, chỉ có cấp tỉnh đánh giá, khen thưởng. Thay đổi này giúp tăng trách nhiệm của địa phương, đồng thời sẽ làm cho công tác khảo sát, đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em sâu sát, chặt chẽ, thực chất hơn. Bên cạnh đó, QĐ 34 cũng quy định rõ tiền thưởng cho xã đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng, trong khi trước đó chưa được quy định cụ thể”, chị Thủy phân tích.
Chị Thủy cũng cho biết, chỉ tiêu 1 của QĐ 37 là “HĐND, UBND xã, phường cam kết thực hiện nhiệm vụ BVCS và giáo dục trẻ em”, trong khi tiêu chí 1 của QĐ 34 là “Mức độ chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đến công tác BVCS và giáo dục trẻ em”. Rõ ràng, tiêu chí 1 của QĐ 34 đã minh bạch hơn, đánh giá được mức độ quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cấp xã.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, những sự thay đổi khi triển khai thực hiện QĐ 34 hướng tới nhiều tiêu chí quan trọng và thiết thực với công tác BVCS trẻ em. “QĐ 34 tạo ra một cơ chế để nhiều cấp, nhiều ngành cùng tham gia, để BVCS trẻ em không còn là “chuyện riêng” của ngành LĐ-TB&XH. Bên cạnh đó, các địa phương phấn đấu đạt tiêu chuẩn để củng cố hơn nữa công tác BVCS, chứ không phải vì thành tích”, bà Phượng phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG