“Dân số vàng”
Với 90 triệu dân, Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 14 trên thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Trong đó, hơn 62 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 69% dân số. Với cơ cấu dân số này Việt nam đang ở trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vì giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” ở mỗi quốc gia thường chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30-40 năm.
Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), thời kỳ dân số vàng (độ tuổi từ 10-24 tuổi) của Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2040, đây là nguồn lực to lớn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Vì vậy, đầu tư phát triển giáo dục, y tế và việc làm cho lực lượng lao động trẻ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò cốt yếu trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, theo kinh nghiệm từ thực tiễn của quốc tế thì thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” tạo ra nhiều cơ hội để phát triển đất nước nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Điều đáng quan tâm nhất là hiện nay lực lượng lao động ở nước ta đông về số lượng nhưng thấp về chất lượng trong điều kiện thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. Trong khi đó, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động; tỉ lệ lao động thiếu việc làm của thanh niên ở nông thôn gia tăng. Mặt khác, các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội chưa theo kịp…
Những thách thức đó đặt ra cho Chính phủ và các cơ quan liên quan phải có những chính sách cũng như các biện pháp phù hợp để phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”. Nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết phải có các chính sách sử dụng hiệu quả nguồn lao động, giảm nhanh tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm; gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động. Đẩy mạnh đầu tư, phát triển thêm nhiều ngành, nghề mới, tạo thêm chỗ làm mới, nhất là ở nông thôn, các ngành sử dụng nhiều lao động đồng thời với việc tìm kiếm và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động…
Năm nay, chủ đề của ngày dân số thế giới (11.7) là “Đầu tư cho thanh niên”. Đây là chủ đề rất có ý nghĩa nhằm duy trì chất lượng dân số trong tương lai. Đặc biệt, đầu tư cho thanh niên gắn với việc phát triển nguồn nhân lực có đầy đủ trình độ, kỹ năng có thể hội nhập với quốc tế và đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trí thức là rất quan trọng. Nhiều quốc gia đã biết tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế.
Kinh nghiệm cho thấy, cơ hội “dân số vàng” chỉ phát huy tác dụng khi có nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động khỏe về thể chất, tinh thần, mạnh về trí lực. Vì vậy, “Đầu tư cho thanh niên” không chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu mà là một chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Đây chính là sự đầu tư không chỉ cho hiện tại mà còn là sự đầu tư cho tương lai nhằm tạo điều kiện cho người lao động trẻ tạo ra giá trị tích lũy nhiều nhất cho mình và cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, kéo dài thời kỳ “dân số vàng” nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước bền vững trong tương lai.
H.Đ