Quy hoạch đô thị Quy Nhơn năm 1932
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Quy Nhơn được quy hoạch, phân chia địa giới theo những cách riêng. Nhìn lại cách quy hoạch theo khu từ cách đây 90 năm để hình dung một phần Quy Nhơn ngày trước…
Ngày 30.4.1930, toàn quyền Đông Dương là Pierre Pasquier ban hành Nghị định nâng thị xã Qui Nhơn lên thành phố, đặt dưới sự cai quản của một viên chức hành chánh gọi là Đốc lý (Résident Maire), do Công sứ Bình Định kiêm nhiệm. Địa giới thành phố được mở rộng thêm, trước đây Quy Nhơn chỉ gồm 2 làng Cẩm Thượng và Chánh Thành, bấy giờ sáp nhập thêm một phần của làng Hưng Thạnh thuộc tổng Tuy Hà, phủ Tuy Phước. Nếu chỉ dựa vào đây thì chưa thể mô tả rõ cụ thể địa giới từng địa hạt cơ sở của Quy Nhơn năm 1932. Căn cứ văn bản đề nghị của Công sứ Bình Định (Le Résident de France à QuiNhon) ngày 8.11.1930 và Quyết định ngày 2.7.1932 của Khâm sứ Trung kỳ (Résident Supérieur de AnNam), TP Quy Nhơn đương thời quy hoạch 5 quartier, cư dân Quy Nhơn gọi là khu.
Bản đồ TP Quy Nhơn năm 1945. Ảnh tư liệu
Khu 1 (1er Quartier) thuộc địa phận làng Chánh Thành trước đây. Giới phận phía Bắc giáp đầm Thị Nại; phía Đông và phía Nam giáp biển; phía Tây giáp đại lộ Khải Định, tại ngã tư Khải Định với đại lộ Odent’hal theo đại lộ Odent’hal chạy về phía Tây Nam cuối nhà tù, rồi theo đường Dayot ra đầm Thị Nại. Quy chiếu ra ngày nay, có thể xác định được địa giới Khu 1. Tính ở phía Nam từ mũi Tấn dọc theo biển đến đường Lê Lợi (đại lộ Khải Định xưa), theo đó đến ngã tư đường Lê Lợi với đường Tăng Bạt Hổ, theo đường Tăng Bạt Hổ (đại lộ Odent’hal xưa) đến ngã tư đường Tăng Bạt Hổ với đường Trần Cao Vân, rồi theo đường Trần Cao Vân (Dayot xưa) đổ ra đầm Thị Nại.
Khu 2 (Deuxième quartier) thuộc địa phận làng Chánh Thành trước đây. Giới phận phía Nam giáp biển, phía Đông giáp đại lộ Khải Định đến nút giao với đại lộ Odent’hal, phía Bắc giáp đại lộ Odent’hal từ nút giao với đại lộ Khải Định đổ về phía Tây, là ranh giới với Khu 3 và phía Tây tại các vị trí E, F, G, H theo phụ lục đính kèm bản đồ quy hoạch. Không có bản đồ quy hoạch năm 1932 để xác định vị trí cụ thể các điểm E, F, G, H. Nhưng tạm quy chiếu Khu 2 có giới phận phía Đông tính từ biển theo đường Lê Lợi đến ngã tư với đường Tăng Bạt Hổ. Phía Bắc là từ đây theo đường Tăng Bạt Hổ chạy về phía Tây làm nên ranh giới với Khu 3.
3 ngôi chùa Hiển Nam, Minh Tịnh, Bạch Sa vào quãng cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ trước phải dời đến vị trí hiện nay, vì nằm ở khu vực phải xây dựng đường băng sân bay. Hình dung ra được ranh giới khu 2 về phía Tây tạm cho là đường Nguyễn Tất Thành bây giờ, phía Nam là giao lộ Nguyễn Tất Thành với đường Ngô Mây đổ ra eo Nín Thở.
Đường Tăng Bạt Hổ ngày xưa (đại lộ Odent’hal) đến SVĐ Quy Nhơn bây giờ thì chạy lên phía Bắc, đi ngang qua Collège de QuiNhon. Tức đoạn đường Lê Hồng Phong từ ga xe lửa chạy đến ngã tư đường Tăng Bạt Hổ ngày nay là một phần của đại lộ Odent’hal thuở trước.
Khu 3 (Troisième quartier) thuộc địa phận làng Cẩm Thượng trước đây. Giới phận phía Bắc giáp núi, là nơi sẽ xây dựng nhà ga xe lửa. Phía Đông là đầm phá, giới hạn bởi đường Russier và Dayot. Phía Nam là đại lộ Odent’hal, giới phận của Khu 2. Phía Tây giáp ranh giới thành phố tại vị trí các điểm E, D theo bản đồ quy hoạch đính kèm.
Có thể tạm quy chiếu giới phận Khu 3 của Quy Nhơn năm 1932, phía Đông giáp đầm Thị Nại đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến đường Trần Cao Vân. Phía Nam là đường Tăng Bạt Hổ, tính từ ngã tư đường Trần Cao Vân với đường Tăng Bạt Hổ chạy về hướng Tây, tạo nên ranh giới với khu 2. Phía Tây từ giao lộ Nguyễn Tất Thành với đường Trường Chinh hiện nay chạy lên giáp ngã tư đường Mai Xuân Thưởng. Từ đây hướng ra đầm Thị Nại tạo nên ranh giới phía Bắc.
Khu 4 (Quatrième quartier) thuộc địa phận làng Cẩm Thượng trước kia. Phía Đông giáp đầm Thị Nại chạy đến đường Russier. Phía Tây giáp núi, phía Nam giáp đường Russier. Phía Bắc giáp khu 5 là làng Hưng Thạnh.
Có thể hình dung Khu 4 TP Quy Nhơn năm 1932 có giới phận phía Bắc là phường Đống Đa ngày nay, phía Đông là đầm Thị Nại tính từ cầu Hà Thanh chạy đến đường Mai Xuân Thưởng (Henry Russier xưa). Phía Tây giáp núi. Phía Nam là đường Mai Xuân Thưởng chạy theo đường Diên Hồng, đường Phạm Ngũ Lão giao với đường Nguyễn Thái Học.
Khu 5 (Cinquième quartier) thuộc địa phận làng Hưng Thạnh trước kia. Phía Đông là đầm phá, phía Tây giáp núi, phía Nam giáp khu 4, phía Bắc là ranh giới thành phố tại vị trí C và B theo bản đồ quy hoạch đính kèm. Như vậy Khu 5 của Quy Nhơn năm 1932 gần như là phường Đống Đa ngày nay. Chưa rõ là Khu 5 hồi ấy có giáp tới cầu Đôi hiện giờ hay không.
Quy Nhơn năm 1932 quy hoạch 5 Khu phố. Giữa quy hoạch và thực hiện có thể có một sai biệt nào đó. Nhưng dù sao đó cũng là những nét cơ bản để hình dung được địa giới từng quartier thuở xưa. Năm 1951, Quy Nhơn sáp nhập thêm xã Phước Tấn (gồm 3 làng Xuân Quang, Xuân Vân, Quy Hòa) của huyện Tuy Phước, gọi là Khu 6 Đông và Khu 6 Tây của thị xã Quy Nhơn.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ