Nỗi đau & sự sẻ chia
Vụ sập tường công trình xây dựng nhà xưởng chế biến thực phẩm của Công ty TNHH MTV Savvy Seafood Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Hòa, TX An Nhơn) chiều 15.9 đã làm 5 người chết và 6 người bị thương. Phía sau vụ tai nạn thương tâm này là những gia đình, phận người...
Tai ương bất ngờ
Trẻ nhất trong số 5 nạn nhân đã tử vong là anh Hồ Ngọc Luân (25 tuổi, ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn). Anh ra đi bỏ lại người vợ trẻ với 2 đứa con thơ, đứa nhỏ mới chào đời hơn 1 tháng. Nỗi đau nhân lên gấp bội khi anh rể của Luân - thợ hồ Ngô Thanh Trực (37 tuổi, ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) cũng tử vong trong vụ tai nạn.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (thứ hai từ phải sang) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (thứ ba từ phải sang) thăm hỏi tình hình sức khỏe nạn nhân tại BVĐK tỉnh vào sáng 16.9. Ảnh: KIỀU ANH
Trước giông bão đột ngột ập xuống, những người cha, người mẹ, người vợ, người thân như chết lặng. Bên cạnh linh cữu của con trai Hồ Ngọc Luân, ông Hồ Ngọc Lan thẫn thờ, bàng hoàng. Mọi câu từ của ông thời điểm ấy đều là xót thương cho cảnh người đầu bạc tiễn người đầu xanh, là nỗi lo vời vợi cho ngày mai của đàn cháu thơ dại.
“Vì hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm nên 2 anh em nó dìu dắt nhau đi phụ hồ nuôi vợ con qua ngày. Chiều 15.9, khi nhận tin cả con ruột lẫn con rể đều tử vong trong vụ sập tường, tôi như người mất hồn, không tin vào sự thật. Vợ tôi bị ung thư giai đoạn cuối cũng ngất lên, ngất xuống. Rồi đây, vợ và các con nó sống sao đây”, ông Lan lo lắng.
Ở thôn Kỳ Sơn, cô con gái đang tuổi mẫu giáo của anh Ngô Thanh Trực vẫn “giận” cha “chỉ lo ngủ, không chịu dậy nựng chào tạm biệt mình đi học như mọi ngày”. Vợ anh Trực - chị Hồ Thị Ngọc Linh, với nỗi đau mất chồng và em ruột, gần như ngất lịm, không đủ sức để tiếp chuyện người thân, họ hàng, xóm giềng.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm hỏi, động viên người bị thương đang điều trị tại BVĐK tỉnh. Ảnh: VĂN LƯU
Vẫn chưa hoàn hồn trước việc người cha Hồ Văn Hướng (56 tuổi, ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) vĩnh viễn nằm xuống sau vụ tai nạn lao động, anh Hồ Xuân Thành - người cũng có mặt tại hiện trường khi bức tường sập xuống, nhớ lại: Chiều hôm ấy, sau khi tô xong phần tường của mình, anh được phân công làm công việc phía bên kia bức tường, còn cha anh vẫn tiếp tục công việc tô phần tường còn lại. Bất ngờ, một cơn gió mạnh thổi qua, bức tường đổ sập về phía cha anh và những người khác. Đó là khoảnh khắc cha ra đi mãi mãi.
“Hai cha con tôi vào làm thợ hồ mới được vài ngày theo lời gọi của một chủ thầu ở địa phương. Không có hợp đồng lao động, chúng tôi chỉ có thỏa thuận thợ chính được trả 380 nghìn đồng mỗi ngày. Không ai ngờ, lần làm việc này tôi vĩnh viễn mất cha”, anh Thành nói.
Chặt chẽ hơn khâu giám sát, kiểm tra
Ngày 16.9, trong chuyến kiểm tra hiện trường vụ tai nạn lao động, thăm các nạn nhân, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Qua vụ việc nghiêm trọng này, chúng ta cần thực hiện nghiêm các quy định, quy chuẩn an toàn trong quá trình thi công các công trình xây dựng. Trong đó, khâu giám sát, kiểm tra an toàn lao động cần được thực hiện thường xuyên, nhất là tại những vùng bị gió lốc, khi có mưa bão… nhằm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc”.
Có 2 cặp vợ chồng cùng là nạn nhân của vụ tai nạn. Họ chia cắt nhau vĩnh viễn khi bức tường đổ xuống. Những giây phút vất vả mưu sinh cùng vữa, gạch, bay, bàn xoa, giàn giáo… trở thành khoảnh khắc hạnh ngộ cuối cùng của vợ và chồng.
Chị Nguyễn Thị Hoan (37 tuổi, ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) mất chồng - anh Phạm Đức Tài (39 tuổi). Anh Nguyễn Thanh Quan (41 tuổi, ở thôn Lộc Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) mất vợ - chị Nguyễn Thị Thanh Ái (34 tuổi). Là trụ cột của gia đình, buổi sáng, họ đèo nhau bằng xe máy, vượt chặng đường dài đến công trình với mong mỏi sau một ngày công với tấm lưng ướt sũng, vai áo sờn rách, những đứa con đang tuổi ăn, tuổi học sẽ có một tương lai tươi sáng hơn cha mẹ.
Nằm trên giường bệnh tại BVĐK tỉnh với tay trái bị gãy, vùng đầu bị chấn thương, chị Hoan mắt nhắm nghiền. hễ ai nhắc đến tên chồng thì hai hàng nước mắt cứ tuôn không ngừng. Vợ chồng chị Hoan có 2 con, một cháu lớp 8, một cháu lớp 10, kinh tế gia đình khó khăn. Dù không ngồi dậy được, chị cứ một mực xin về để nhìn mặt chồng lần cuối, lo hậu sự cho chồng.
Kịp thời sẻ chia
Sau khi tai nạn xảy ra, lãnh đạo TX An Nhơn, huyện Tuy Phước đến thăm hỏi, động viên, chia buồn và hỗ trợ 3 triệu đồng/trường hợp bị thương, 5 triệu đồng/trường hợp tử vong. Tại Tuy Phước, chính quyền 2 xã Phước Hiệp và Phước Sơn cũng hỗ trợ với mức tương tự cho các nạn nhân và gia đình. Xã Nhơn Thọ hỗ trợ 2 trường hợp tử vong với mức 5 triệu đồng/trường hợp; phường Nhơn Hòa hỗ trợ 2 trường hợp bị thương với mức 1,5 triệu đồng/người.
Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Mai Xuân Tiến trao tiền hỗ trợ cho con trai nạn nhân Hồ Văn Hướng khuya 15.9, sau khi ông Hướng mất tại BVĐK tỉnh. Ảnh: UBND TX An Nhơn
Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Mai Xuân Tiến cho biết: Thị xã đã hỗ trợ cho toàn bộ 11 nạn nhân. Thị ủy cũng đang chỉ đạo các hội, đoàn thể vận động nguồn lực tiếp tục hỗ trợ cho các gia đình. Thường trực Thị ủy đang kêu gọi tặng sổ tiết kiệm cho 4 gia đình có người gặp nạn, trong đó quan tâm nhiều đến 3 hộ có con còn nhỏ.
“Đến nay, MTTQ, các đoàn thể đã vận động hỗ trợ cho gia đình nạn nhân Hồ Ngọc Luân được khoảng 40 triệu đồng. Thị xã sẽ tặng sổ tiết kiệm cho các trường hợp tùy theo từng hoàn cảnh”, ông Tiến nói thêm.
Động viên, chia buồn với các nạn nhân và gia đình, Hội CTĐ tỉnh đã thăm hỏi, hỗ trợ mỗi nạn nhân bị thương 1 triệu đồng và sữa dinh dưỡng; hỗ trợ 2 triệu đồng cùng sữa dinh dưỡng cho mỗi gia đình có người mất. LĐLĐ tỉnh và Công đoàn Khu kinh tế tỉnh đã hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp bị thương, 2 triệu đồng/trường hợp tử vong.
Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, một số hội, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đang vận động nguồn lực để hỗ trợ các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. CLB tình nguyện viên CTĐ Bạch Mai Trang (TX Hoài Nhơn) đã lên kế hoạch về TX An Nhơn và huyện Tuy Phước trao hỗ trợ cho các nạn nhân vào đầu tuần tới. Chủ nhiệm CLB Đoàn Thị Hương chia sẻ, các thành viên của CLB đã tích cực vận động và đóng góp với mong muốn xoa dịu nỗi đau, tiếp sức nạn nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang, ngoài hỗ trợ ban đầu, các địa phương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các gia đình hoàn thiện thủ tục để hưởng chính sách theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động được hưởng chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp. Theo đó, người bị thương nặng được xem xét hỗ trợ với mức tối thiểu bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội, tương đương 3,6 triệu đồng/người; gia đình có người chết xem xét hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội, tương đương 18 triệu đồng/trường hợp.
“Sở cũng đã giao Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ tiếp theo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con nhỏ, đang độ tuổi đi học. Tinh thần chung là theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, các cơ quan, địa phương sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, có con nhỏ”, ông Quang nhấn mạnh.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang, vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh đối với DN, người sử dụng lao động và người lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo các yếu tố an toàn, tham gia BHXH cho người lao động. Bởi khi có tai nạn xảy ra, chủ sử dụng lao động, DN sẽ thiệt hại không nhỏ về chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động; uy tín của DN cũng bị ảnh hưởng. Về phía người lao động, cần chủ động lựa chọn DN uy tín, có ký kết hợp đồng lao động, tham gia đầy đủ BHXH, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động. Bởi khi sự cố xảy ra, thiệt thòi nhất chính là người lao động.
N.MUỘI - K.ANH - N.TÚ - V.LƯU