Tận tụy với công việc
Với thâm niên 32 năm trong nghề, chị Trần Thị Thanh Hà (SN 1968, hộ lý của Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng người có công tỉnh) đã xem việc chăm sóc, quan tâm các cụ ông, cụ bà như một lẽ hết sức tự nhiên.
Bố mẹ đều là người có công, hiểu cái khó, cái khổ của các cụ ông, cụ bà lớn tuổi, sức khỏe suy yếu, chị Hà chọn gắn bó với công việc này với hy vọng có thể góp sức chăm lo cho thế hệ đi trước. Bắt đầu làm việc tại Trung tâm từ năm 1990, chị Hà đã được giao nhiệm vụ chăm sóc các cụ lớn tuổi, đi đứng bất tiện. Từ việc ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cho các cụ, chị đều tự tay làm. Ban đầu, khi chưa quen việc, động tác lắm khi còn lúng túng. Thế nhưng, không mất quá nhiều thời gian, chị dần làm quen và rút ra kinh nghiệm.
“Chẳng hạn, khi muốn giúp các cụ ngồi dậy, mình phải ngồi vững và đỡ thật nhanh, chắc tay chứ không nên nâng người các cụ một cách chậm rãi. Điều đó khiến tay dễ mất lực và khiến cơ thể ngả về phía sau, gây nguy hiểm”, chị chia sẻ.
Chị Hà ân cần chăm sóc các cụ lớn tuổi. Ảnh: D.N
Ngoài cẩn thận trong từng động tác, chị còn học cách thích nghi với thói quen sinh hoạt, cách nói chuyện của người lớn tuổi để tạo cảm giác thoải mái cho các cụ. Chị còn nghĩ ra nhiều sáng kiến. Từ những chiếc ghế gỗ, vạc giường thông thường, chị tự tay biến chúng thành vật dụng hữu ích, giúp các cụ đi lại khó khăn có thể vệ sinh, sinh hoạt thoải mái hơn; các điều dưỡng, hộ lý cũng đỡ vất vả.
Hết mình với công việc, chuyện chị Hà thường có mặt ở nơi làm việc ngoài giờ làm đã quen thuộc với mọi người. Chị nói vui, vì nhà gần Trung tâm nên chẳng biết từ lúc nào, chị cảm thấy như mình có tận 2 gia đình. Các cụ ông, cụ bà cũng vì vậy mà trở nên thân thiết, gần gũi với chị hơn; cùng trò chuyện cho vơi nỗi nhớ quê, nhớ cháu; rồi nhờ giúp việc này, việc khác. Ai cũng thấy mến người phụ nữ trung niên với nụ cười thường trực trên môi, luôn kiên nhẫn, chịu khó, không nề hà công việc vất vả.
Vừa được chị Hà đẩy xe đi hóng gió chiều mát mẻ, bà Phạm Thị Xuân Thanh (SN 1954) vừa cười nói. Bà còn xem chị Hà là người em thân thiết, có thể tin tưởng, tâm sự nhiều chuyện buồn vui.
“Tôi đến Trung tâm với tình trạng tai biến, liệt nửa người, cử động rất khó khăn. Nỗi mặc cảm ấy khiến tôi lo lắng, buồn lòng nhiều nên ít khi trò chuyện với mọi người. Là người trực tiếp chăm sóc tôi, Hà hỏi han tế nhị, nhẹ nhàng, giúp tôi cởi mở, bớt tự ti”, bà Thanh kể.
Chính sự tận tâm với công việc đã giúp chị Hà luôn được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp quý mến. “Hộ lý Trần Thị Thanh Hà là người nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe nhu cầu của từng cụ và tìm cách hỗ trợ khi cần thiết. Là người gắn bó lâu nhất với Trung tâm, chị còn sẵn sàng chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết với các đồng nghiệp trẻ hơn, góp phần nâng cao hiệu quả công việc”, bà Lê Ái Phượng, Trưởng Phòng Chăm sóc và điều dưỡng (Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng Người có công tỉnh), nhận xét.
DIỆU NGỌC