Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
Ngày 19.9.1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên phong) trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Tại buổi nói chuyện, Người nhấn mạnh về nền văn hiến lâu đời và chủ quyền, lãnh thổ nước ta đã được các vua Hùng và dân tộc đánh đổi bằng xương máu, thay nhau khai sơn, phá thạch để dựng nên hình hài của Nước. Vì vậy, để xứng danh con cháu Lạc Hồng, “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Theo Người, “biết sử ta” không phải chỉ ghi nhớ sự kiện lịch sử hoặc một vài chiến công hiển hách mà cần phải hiểu sâu, rộng về bản chất sự kiện và ý nghĩa của những chiến công đã giành được, cốt lõi là “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nhờ sự am tường về lịch sử dân tộc, về gốc tích nước nhà, Người căn dặn: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19.9.1954. Ảnh: hochiminh.vn
Đây là lời căn dặn không chỉ đối với các chiến sĩ Đại đoàn 308, mà rộng ra là lời nhắc nhở về trách nhiệm của cả dân tộc Việt Nam cần phải khắc cốt ghi tâm. Vì lãnh thổ Việt Nam từ thuở lập quốc đã mang đặc thù rất riêng và quan trọng về “địa chính trị”, nên cần phải cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với những nguy cơ xâm lược từ bên ngoài luôn rình rập. Việt Nam, một dân tộc có 2/3 chiều dài lịch sử phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược của nhiều kẻ thù đến từ tứ phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Với sự đúc kết lịch sử, sự thấu hiểu về nỗi đau mất nước, mất tự do, Bác nhấn mạnh “phải cùng nhau giữ lấy nước”.
“Giữ lấy nước” vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ đối với mọi người con đất Việt. Với Bác, “yêu nước”, “giữ nước” không phải nói suông mà phải được thể hiện bằng hành động, bằng trái tim và việc làm cụ thể. Nhân dân ta luôn kính trọng và tôn vinh những người yêu nước chân chính, những người sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc.
Do đó, trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác căn dặn cả các đơn vị bộ đội cách mạng khi vào Thành cần phải tránh một số khuyết điểm như: “Thiếu tổ chức kỷ luật, xa xỉ, ăn diện, tự do, bắt chước lối sống không tốt”, vì những lý do trên dễ sinh ra tham ô, hư hỏng; “chớ tự kiêu, tự mãn”, “phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân”, “phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”.
Theo Bác, cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cố hết sức làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì cố hết sức tránh, người cán bộ phải gương mẫu và phải một lòng vì Đảng, vì dân tộc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Hiện nay, “giặc nội xâm” cũng là vấn nạn “đục khoét” dần niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Đây là mối nguy không nhỏ đối với sự tồn vong của chế độ. Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở cán bộ “chớ xa xỉ, tham ô, lãng phí”, người cán bộ “phải giữ gìn tính chất trong sạch”. Tuy nhiên trong thực tế, một số cán bộ đã bị vật chất làm lu mờ ý chí, xao nhãng lời dạy của Bác về sự “trong sạch”, “liêm, chính” nên đã lún sâu vào con đường suy thoái, “tự chuyển hóa”, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong sự nghiệp lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Do đó, để chiến thắng “giặc nội xâm”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chế độ, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng và sự chung tay, góp sức của người dân. Bởi vì, bảo vệ Tổ quốc hiện nay là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, có nghĩa là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ vững chắc chế độ XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Tóm lại, lời căn dặn của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ trong tình hình hiện nay, cùng với việc hiện đại hóa nền quốc phòng, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng; luôn chăm lo xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh trên hai mặt trận chống ngoại xâm và nội xâm; không ngừng nâng cao chất lượng việc rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là sức mạnh nội sinh, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TRẦN NGỌC HỒNG