Vụ heo chết sau tiêm vắc xin dịch tả heo châu phi: Phối hợp với DN hỗ trợ người thiệt hại
Trước sự cố heo chết sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi (vắc xin NAVET-ASFVAC) của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khẩn trương rà soát, phối hợp với chính quyền các cấp tổng hợp danh sách các hộ bị thiệt hại, để có cơ sở làm việc với DN cung ứng vắc xin nhằm sớm hỗ trợ cho người dân.
Ngay sau khi vắc xin NAVET- ASFVAC của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) được công nhận và cấp phép lưu hành, tỉnh Bình Định đăng ký mua 100 nghìn liều vắc xin tiêm thí điểm diện hẹp giai đoạn 1. Trên cơ sở đăng ký của các địa phương, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) lựa chọn Bình Định là 1 trong 24 địa phương tham gia thí điểm tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC có điều kiện trước khi cho tiêm đại trà. Theo đó, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh sách và lựa chọn các cơ sở đủ điều kiện tham gia tiêm phòng. Đợt thí điểm đầu tiên, cả tỉnh có 85 cơ sở đăng ký, qua rà soát, ngành Nông nghiệp chọn 9/85 cơ sở tham gia tiêm thí điểm với 905 liều; quá trình tiêm thí điểm có sự giám sát của cán bộ Chi cục và Navetco, số heo tiêm phòng trong đợt này đều ổn định.
Cán bộ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra tìm nguyên nhân heo chết sau tiêm vắc xin. Ảnh: N.D
Tuy nhiên, đầu tháng 8.2022, một số hộ chủ động mua vắc xin NAVET-ASFVAC từ các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, đại lý kinh doanh thuốc thú y tiêm phòng cho đàn heo. Một số hộ dân phản ánh tình trạng sau tiêm vắc xin khoảng 7 - 10 ngày, heo phản ứng với các biểu hiện sốt, bỏ ăn và chết. Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sự cố xảy ra ở đợt tiêm phòng không giám sát. Ngay khi có thông tin này, Sở NN&PTNT chỉ đạo ngừng tiêm vắc xin. Đồng thời, khẩn trương làm việc với cơ quan chuyên môn và các địa phương tập trung rà soát nắm bắt thông tin, làm việc với Cục Thú y, Navetco để xác định nguyên nhân, khẩn trương tổng hợp số liệu từ các địa phương để phối hợp với DN tìm giải pháp khắc phục sự cố, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi có heo bị chết.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở và Chi cục Chăn nuôi và Thú y rất thận trọng trong công tác tiêm phòng. Chính vì thế, ngay khi có quyết định cho phép tiêm thí điểm diện hẹp có giám sát, Sở giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phải theo dõi sát quy trình tiêm phòng để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Dù vắc xin đã được phép bán thương mại trên diện rộng, với tinh thần chủ động phòng bệnh cho vật nuôi, người dân đã chủ động mua và tiêm vắc xin cho heo, song việc tiêm phòng lại thiếu giám sát chặt chẽ nên sự cố đã xảy ra.
“Sự cố kể trên ảnh hưởng lớn tới hoạt động chăn nuôi ở tỉnh ta, đặc biệt là gây thiệt hại cho các hộ có heo bị chết. Trước mắt, Sở tập trung tìm cách giúp bà con khắc phục hậu quả. Chúng tôi đã trực tiếp gặp gỡ những người có heo bị chết do tiêm vắc xin, làm việc với chính quyền các cấp để nhanh chóng rà soát, thống kê danh sách số hộ bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại. Cuối tháng 9, sẽ dứt điểm toàn bộ số liệu để có cơ sở làm việc với Navetco, sớm hỗ trợ, khắc phục thiệt hại để bà con nhanh chóng ổn định sản xuất!”, ông Trần Văn Phúc chia sẻ.
Đến nay, trừ TX An Nhơn đang tổng hợp số liệu, các địa phương có heo chết do tiêm vắc xin đã báo cáo tình hình, mức độ thiệt hại. Dự kiến đầu tuần tới, Sở tổng hợp đầy đủ danh sách và làm việc với Navetco để triển khai các bước hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại. Cùng với đó, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổ chức tiêu độc, khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại và thực hiện đầy đủ khuyến cáo của ngành chức năng trong tiêm phòng.
Ngay khi có thông tin, tôi đã về các địa phương gặp gỡ hộ dân. Về nguyên nhân heo bị chết sau tiêm
vắc xin phải chờ kết luận cụ thể của Cục Thú y. Những ngày qua, Sở đã đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát chính xác để sớm hỗ trợ bà con mau chóng ổn định sản xuất; không để ai bị thiệt thòi.
Ông TRẦN VĂN PHÚC, Giám đốc Sở NN&PTNT
THU DỊU