Nhức nhối vi phạm về đất đai - Kỳ 1: Tràn lan vi phạm
LTS: Những năm gần đây, tình trạng vi phạm các quy định về sử dụng, quản lý đất đai ngày càng phức tạp. Chính quyền các địa phương, các ngành chức năng liên quan cần có biện pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm tình trạng này; đưa công tác quản lý đất đai vào quy củ, nền nếp. Báo Bình Ðịnh thực hiện chuyên đề “Nhức nhối vi phạm về đất đai” để phần nào làm sáng rõ các vấn đề trên.
Kỳ 1: Tràn lan vi phạm
Tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất trái phép, sai mục đích ngày càng nhức nhối ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong công tác quản lý, sử dụng đất.
Những con số biết nói
Theo thông tin từ Thanh tra tỉnh, năm 2020 và 2021, ngành Thanh tra tiến hành 23 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất tại 35 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện nhiều đơn vị có khuyết điểm, sai phạm về đất đai với tổng diện tích hơn 538.120 m2 đất các loại.
Đơn cử, tại xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), địa phương quản lý, sử dụng đất công ích còn lỏng lẻo, để người dân lấn chiếm trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp với diện tích hơn 343.020 m2. Tại phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), qua thanh tra, ngành chức năng phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục việc buông lỏng công tác quản lý để người dân lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích; xây dựng không phép, sai phép với diện tích hơn 25.460 m2.
Ngành chức năng cũng phát hiện, kiến nghị xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân) chấn chỉnh, khắc phục việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất đạt thấp; buông lỏng công tác quản lý dẫn đến một số trường hợp lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích và xây dựng trái phép với diện tích gần 730 m2.
Còn theo Sở TN&MT, gần đây, một số địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp và sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích; có trường hợp kéo dài nhiều năm chưa được xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm. Một số hộ, cá nhân lợi dụng sự quản lý chưa chặt chẽ đã thực hiện các hành vi lấn chiếm đất đai; nhất là đất do UBND cấp xã quản lý.
Thống kê từ năm 2014 - 2020 cho thấy, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.600 trường hợp lấn chiếm đất đai; đã xử lý gần 2.700 trường hợp; còn hơn 900 trường hợp tồn tại đang tiếp tục xử lý, trong đó chủ yếu tập trung tại huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát và TP Quy Nhơn... Riêng năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 446 trường hợp lấn chiếm đất đai; đã xử lý 366 trường hợp, còn 80 trường hợp đang tiếp tục xử lý.
Điểm danh những “điểm nóng”
Trong các vi phạm về đất đai, tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích đang khá “nóng”. Điển hình như tại xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn), thời gian qua, nhiều người ngang nhiên mua bán đất rừng sản xuất; sau đó phân lô, rào bao và xây dựng công trình trái phép. Hiện tại, các khu vực có tục danh Hòn Quỳ, tràn suối Ông Cồ, đồng Đất Đỏ, đồng Hốc Đá (thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ) có hàng chục căn nhà, móng xây dựng kiên cố “mọc” trên đất trồng rừng, đất nông nghiệp, hình thành khu dân cư. Ngày 21.7, tại khu vực chân núi Hòn Quỳ, một cá nhân sử dụng máy đào san ủi, chôn lấp xà bần để nâng nền khu đất trồng rừng có diện tích khoảng 1.000 m2.
Nhiều công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất tại khu vực Hòn Quỳ. Ảnh: C.H
Trên địa bàn huyện Tuy Phước, tình trạng người dân ở 4 xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ đê Đông kéo dài nhiều năm qua khiến chính quyền địa phương, ngành chức năng liên quan rất “đau đầu”. Đến đầu tháng 7.2022, tại 4 địa phương này còn 80 trường hợp vi phạm liên quan đến hành lang đê Đông chưa được xử lý.
Phương tiện cơ giới san ủi, chôn lấp xà bần trên khu đất trồng rừng tại khu vực Hòn Quỳ. Ảnh: C.H
Hay tại xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), đầu tháng 6.2022 vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ một số cá nhân lấn chiếm, trồng rừng trái phép trên diện tích 11,51 ha đất rừng được quy hoạch chức năng sản xuất, phòng hộ và rừng tự nhiên thuộc khoảnh 2, tiểu khu 208. Còn tại xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ), dù chưa được cấp thẩm quyền của tỉnh cho phép, nhưng HTX chế tác đá hoa cương Bảo Thắng Phù Mỹ đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình tại 2 khu đất lâm nghiệp.
Dù chưa được cấp thẩm quyền của tỉnh cho phép, nhưng HTX chế tác đá hoa cương Bảo Thắng Phù Mỹ đã xây dựng nhiều hạng mục công trình trên đất lâm nghiệp tại xã Mỹ Hòa (ảnh chụp tháng 5.2022). Ảnh: V.L
Trên địa bàn huyện Phù Cát, 5 năm gần đây, dọc tuyến đường liên xã Cát Hanh - Cát Lâm (thuộc địa phận thôn Tân Hóa Bắc, xã Cát Hanh) xuất hiện hàng chục căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Những căn nhà này “mọc” lên sau khi tuyến đường giao thông liên xã Cát Hanh - Cát Lâm được xây dựng; các thửa đất trước kia trồng lúa, đậu, bỗng dưng thành đất mặt tiền.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, hàng chục trường hợp tự ý chiếm dụng đất quy hoạch chức năng phòng hộ tại khu vực ven lòng hồ Định Bình (thuộc thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo) để xây dựng công trình trái phép.
Hệ lụy lâu dài
Tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích không chỉ vi phạm các quy định pháp luật về đất đai; mà còn gây ra nhiều tác động, hệ lụy tiêu cực trong công tác quản lý, sử dụng đất.
Theo ông Đinh Công Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT), hệ lụy dễ thấy nhất là phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại các địa phương đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, khi Nhà nước triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình, diện tích đất và mục đích sử dụng đã bị thay đổi khiến công tác bồi thường, hỗ trợ gặp khó khăn, vướng mắc.
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Theo quy định, việc chuyển mục đích sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thực hiện và phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng nhiều diện tích đất nông nghiệp hoặc lâm nghiệp với mục đích đầu cơ, đón đầu các dự án.
Sau đó, dù chưa được cấp thẩm quyền cho phép, các trường hợp này tự chuyển mục đích sử dụng đất để bán lại với giá cao, thu lợi bất chính. Thực trạng này khiến loại đất chưa được chuyển đổi mục đích theo đúng quy định pháp luật, nhưng giá mua - bán đã thay đổi. Khi Nhà nước thu hồi, giải tỏa để thực hiện dự án, sẽ xảy ra việc so bì, khiếu nại về mức giá bồi thường.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đất không đúng mục đích còn gây thất thoát cho Nhà nước những khoản tiền rất lớn. Theo Thanh tra tỉnh, năm 2020, cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra việc điều chỉnh giá thuê đất; quản lý, sử dụng đất cho thuê; nộp tiền thuê đất tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện và xử lý thu hồi về cho Nhà nước gần 2,8 tỷ đồng do nộp chưa đúng đơn giá; chậm nộp; không kê khai nộp tiền thuê đất khi cho thuê lại đất và chưa nộp tiền bảo vệ, phát triển đất chuyên trồng lúa nước.
Còn bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cho rằng: Quốc hội đang tiếp tục xem xét sửa đổi Luật đất đai với quan điểm đất đai phải được quy hoạch, sử dụng đạt hiệu quả cao nhất, hợp lý nhất với tầm nhìn dài hạn. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất không những bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, mà còn đảm bảo thuận lợi cho công tác quy hoạch, sử dụng đất trong tương lai; mang lại lợi ích cho xã hội và chính người dân. Việc lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong lĩnh vực này.
VĂN LỰC - CHƯƠNG HIẾU
● Kỳ 2: Buông lỏng quản lý, sử dụng đất